Gia đình tôi có một mảnh đất của ông bà để lại cho tôi (tôi là cháu đích tôn) có giấy tờ ưng thuận phân chia điền thổ viết năm 1974, lúc đó tôi còn nhỏ. Năm 1979, lúc mẹ tôi còn sống, bà có cho chị gái ruột một ít đất (khoảng 50m vuông) để cất nhà ở nhưng chỉ nói miệng, không có giấy tờ làm chứng gì cả, phần đất còn lại vẫn thuộc quyền sở hữu của tôi. Nhưng một thời gian sau đó chị gái tôi lấn chiếm khoảng đất còn lại đấy và tự ý trồng rau, hoa quả... Thời gian gần đây, nhà nước kêu gọi làm sổ đỏ, tôi có đi kê khai đất nhưng vợ chồng chị tôi ngăn cản, không cho kê khai. Bản thân tôi nhiều lần đến địa chính xã để yêu cầu giải quyết đất, địa chính xã hẹn đi hẹn lại nhiều lần và không hiểu vì sao vợ chồng chị tôi lại làm được sổ đỏ nhưng chưa cấp phát (sổ đỏ), tôi có nhờ địa chính huyện giữ lại sổ đỏ. Tôi tiếp tục đến địa chính, địa chính xã hẹn ngày giải quyết để hòa giải nhưng chị tôi nhất quyết không trả đất lại. Vậy việc làm của chị tôi có đúng pháp luật không? Và giấy ưng thuận phân chia điền thổ (1974) đến nay có còn hiệu lực không? Việc làm cấp sổ đỏ cho chị gái tôi của địa chính có đúng không? Tôi rất mong luật sư tư vấn. Xin chân thành cảm ơn!
Không rõ Giấy ưng thuận phân chia điền thổ của Bà bạn có nội dung như thế nao? Hình thức của Văn bản có xác nhận của chính quyền địa phương hay không? Phải xác định rõ các vấn đề nêu trên thì mới có thể nhận định được bạn có quyền sử dụng đất hợp pháp hay không.
Liên quan đến chị gái bạn, nếu đã khẳng định chị gái bạn đã lấn chiếm một phần diện tích đất bạn đang quản lý thì cho dù quyền sử dụng đất đó thuộc về ai (Bạn hoặc di sản thừa kế của bà bạn) thì hành vi lần chiếm đó là trái quy định; đồng nghĩa với việc chính quyền xem xét cấp giấy chứng nhận cho chị bạn cũng chưa phù hợp với trình tự, thủ tục luật định.
Về việc giải quyết tranh chấp, bạn phải làm đơn đề nghị UBND xã tiến hành hoà giải theo quy định. Nếu chị bạn không tham gia hoà giải lần thứ nhất thì yêu cầu tiến hành hoà giải lần thứ hai; nếu lần thứ hai chị bạn tiếp tục vắng mặt thì yêu cầu UBND xã tiến hành lập biên bản hoà giải không thành và sau đó bạn đưa ra Toà án giải quyết.