Trường hợp phạm tội cụ thể khi xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo
1. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 132
Trường hợp xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, là cấu thành độc lập với cấu thành tội phạm tại khoản 2 của điều luật, mà không phải cấu thành cơ bản của tội phạm này. Khoản 1 Điều 132 có khung hình phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 1 Điều 132, Tòa án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự. Nếu người phạm tội chỉ thực hiện một hành vi trong các hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 của điều luật, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng, thì tòa án có thể áp dụng hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đối với người phạm tội, chỉ áp dụng hình phạt tù nếu có nhiều tình tiết tăng nặng, không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ.
2. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 132
Khoản 2 của điều luật cũng là một cấu thành độc lập với khoản 1 của điều luật, có các yếu tố cấu thành tội phạm riêng, nhưng cũng có thể coi đây là cấu thành tăng nặng, vì hành vi phạm tội cũng xuất phát từ việc xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, cấu thành tội phạm quy định tại khoản 2 của điều luật là hành vi của người trả thù người khiếu nại, tố cáo. Khoản 2 của điều luật có khung hình phạt tù từ sáu tháng đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng. Cũng như đối với trường hợp quyết định hình phạt ở khoản 1 của điều luật, tòa án phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng, thì Tòa án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của hình phạt hoặc chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn hình phạt tù. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ, thì phải áp dụng mức cao hoặc cao nhất của khung hình phạt.
3. Hình phạt bổ sung
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ một năm đến năm năm. Khi áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ đối với người phạm tội có chức vụ, quyền hạn.
Thư Viện Pháp Luật