Tranh chấp nhà cửa - tài sản thế chấp.
1. Theo thông tin bạn nêu thì có người vô cớ tới đánh đuổi gia đình bạn ra khỏi nhà để chiếm nhà mà gia đình bạn đang ở.... Nếu có hành vi như vậy, thì người đánh đuổi gia đình bạn ra khỏi chỗ ở hơp pháp sẽ bị xử lý về tội xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp theo quy định tại Điều 124 Bộ luật hình sự. Bạn tham khảo quy định sau đây:
" Điều 124. Tội xâm phạm chỗ ở của công dân
1. Người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
A) Có tổ chức;
B) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
C) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.".
Vì vậy, gia đình bạn có thể làm đơn trình báo với công an để xử lý hành vi nêu trên của người đó.
2. Theo quy định tại Điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi năm 2011 thì tòa án có quyền hoãn phiên tòa theo quy định của pháp luật (Điều 51; 72; 199; 204; 205; 206; 207; 215; 230), thời gian hoãn phiên tòa không quá 30 ngày, kể từ ngày có quyết định hoãn phiên tòa. Nếu tòa án cố tình kéo dài thời gian giải quyết vụ án trái quy định pháp luật thì gia đình bạn có quyền khiếu nại hành vi hành chính đó.
3. Về nguyên tắc thì tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số. Nếu tòa án chưa mở phiên tòa, các chứng cứ chưa được đưa ra xem xét công khai, chưa tranh luận, chưa nghị án thì chưa thể có kết quả được. Hơn nữa một người trong hội đồng xét xử, dù là thẩm phán cũng không có quyền tự mình quyết định vụ án. Vì vậy, việc cán bộ tòa án nói với mẹ bạn như vậy là không đúng pháp luật. Nếu có chứng cứ về việc đó mà gia đình bạn tố cáo thì người đó sẽ bị kỷ luật.
Thư Viện Pháp Luật