Nhận biết tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn
1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm
Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Đối với tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của hai tội phạm này, vì hai tội phạm này đều là tội ít nghiêm trọng.
Đối với tội tổ chức tảo hôn, người phạm tội có thể là người thân của người chưa đến tuổi kết hôn như: bố mẹ, ông bà, anh chị em, cô, bác, chú, dì… hoặc những người không phải là người thân của người chưa đến tuổi kết hôn.
Đối với tội tảo hôn, người phạm tội có thể là người từ 16 tuổi trở lên nhưng chủ yếu là người đã thành niên, nếu cả hai người kết hôn đều từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi (đối với nữ) đến dưới 20 tuổi (đối với nam) mà đã có quyết định của Tòa án buộc chấm dứt quan hệ hôn nhân nhưng vẫn cố ý duy trì quan hệ vợ chồng thì cả hai đều phạm tội tảo hôn.
2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
Khách thể của tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn là quan hệ hôn nhân tiến bộ, một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình mà Luật hôn nhân và gia đình thực sự tự nguyện, tiến bộ. Quan hệ xã hội bị xâm phạm trực tiếp của hành vi tổ chức tảo hôn và hành vi tảo hôn là sự tiến bộ của chế độ hôn nhân. Luật hôn nhân và gia đình quy định tuổi kết hôn cũng chính là nhằm đảm bảo cho nòi giống phát triển lành mạnh, xã hội văn minh, xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình.
3. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
a) Hành vi khách quan
Đối với tội tổ chức tảo hôn, người phạm tội có thể có một trong các hành vi sau:
- Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt đọng để người chưa đến tuổi kết hôn được kết hôn;
- Tìm người chua đến tuổi kết hôn cho người khác để tổ chức kết hôn;
- Chuẩn bị các điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người chưa đến tuổi kết hôn để họ kết hôn với người khác.
Tổ chức kết hôn cho người chưa đến tuổi kết hôn là hành vi chứ không phải quy mô của tội phạm, nên không nhất thiết phải có người tham gia như một vụ án có đồng phạm có tổ chức. Có thể chỉ có một người thực hiện việc tổ chức kết hôn cho những người chưa đến tuổi kết hôn.
Tổ chức kết hôn là tổ chức cho nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng nhưng việc xác lập này là trái pháp luật (không đủ điều kiện kết hôn) mà cụ thể là chưa đủ tuổi kết hôn. Việc xác lập quan hệ vợ chồng có thể được UBND nơi cư trú của người phụ nữ hoặc của người nam giới đăng ký kết hôn, nhưng việc đăng ký này là do bị lừa dối, nếu biết nam hoặc nữ hoặc cả hai người chưa đến tuổi kết hôn mà vẫn đăng ký kết hôn thì người có hành vi đăng ký kết hôn phạm tội đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, hành vi tổ chức kết hôn thường được thực hiện việc xác lập quan hệ hôn nhân không có đăng ký nhưng có tổ chức lễ cưới (cưới chui)
Đối với tội tảo hôn, người phạm tội chỉ có hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án buộc chấm dứt quan hệ đó. Tuy người phạm tội chỉ có một hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng, nhưng chỉ coi hành vi này là hành vi phạm tội khi đã có quyết định của Tòa án buộc chấm dứt quan hệ vợ chồng.
Quyết định của Tòa án buộc chấm dứt quan hệ vợ chồng là quyết định đã có hiệu lực pháp luật, quyết định này thường được biểu hiện dưới dạng một bản án dân sự hoặc một quyết định.
Căn cứ vào điều văn của điều luật, nếu không phân tích một cách khoa học, thì dễ bị nhầm lẫn là người phạm tội tảo hôn phải là người đến tuổi kết hôn còn người chưa đến tuổi kết hôn không phải là chủ thể của tội phạm này. Nhưng thực tế không phải như vậy, mà hành vi duy trì quan hệ hôn nhân trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn bao gồm cả người chưa đủ tuổi kết hôn.
Tuy nhiên, họ phải là người đủ 16 tuổi trở lên vì tội phạm này là tội phạm ít nghiêm trọng.
Người chưa đến tuổi kết hôn là người chưa đến 18 tuổi đối với nữ, chưa đến 20 tuổi đối với nam.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, thì nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên mới được kết hôn. So với quy định của Luật hôn nhân và gia đình trước đây thì điều kiện về tuổi khi kết hôn có thay đổi. Nếu trước đây quy định nam đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi mới được kết hôn, thì nay chỉ quy định từ 20 tuổi và từ 18 tuổi, nên có thể hiểu nam bước sang tuổi 20, nữ bước sang tuổi 18 là đủ tuổi kết hôn. Ví dụ: một người phụ nữ sinh ngày 1-1-1984, nếu theo quy định trước đây thì người phụ nữ này phải đủ 18 tuổi mới được kết hôn, tức là phải đến ngày 1-1-2002 trở đi mới được kết hôn, nhưng theo quy định của luật hôn nhân và gia đình thì từ ngày 2-1-2001 người phụ nữ này đến tuổi kết hôn. Do có sự thay đổi như vậy, nên không ít người đã nhầm lẫn là luật hôn nhân và gia đình 2000 vẫn quy định nam đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi mới được kết hôn. Cũng chính vì vậy, điều văn của điều luật cũng chỉ quy định “tổ chức kết hôn cho những người chưa đến tuổi kết hôn” mà không quy định: “cho những người chưa đủ tuổi kết hôn”
Tảo hôn là chưa đến tuổi kết hôn mà quan hệ với nhau như vợ chồng, do đó việc quan hệ với nhau như vợ chồng là có sự tự nguyện của cả hai người.
Khi xác định hành vi tảo hôn, cần phân biệt với hành vi giao cấu với trẻ em (dưới 16 tuổi), mua dâm người chưa thành niên cũng có sự thỏa thuận của hai người nhưng không phải là quan hệ vợ chồng.
Hành vi tổ chức việc kết hôn cho những người chưa đến tuổi kết hôn hoặc cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án buộc chấm dứt quan hệ đó chỉ bị coi là hành vi phạm tội khi các hành vi này đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm.
Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm là trước đó đã có lần tổ chức việc kết hôn cho những người chưa đến tuổi kết hôn hoặc cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án buộc chấm dứt quan hệ đó, xử phạt hành chính hoặc bằng một trong những hình thức xử phạt hành chính hoặc bằng một trong những hình thức xử lý hành chính khác theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính, nay lại có hành vi tổ chức việc kết hôn cho những người chưa đến tuổi kết hôn hoặc cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù dã có quyết định của Tòa án buộc chấm dứt quan hệ đó. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử phạt hành chính, nhưng về hành chính khác không phải là hành vi trên thì cũng chưa cấu thành tội phạm này. Do điều luật quy định hai tội độc lập khác nhau, nên khi xác định hành vi đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm cũng phải phân biệt hai hành vi phạm tội khác nhau.
Khi xác định tội tổ chức tảo hôn, thì phải xác định người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi tổ chức việc kết hôn cho những người chưa đến tuổi kết hôn mà lại thực hiện hành vi tổ chức việc kết hôn cho những người chưa đến tuổi kết hôn.
Khi xác định tội tảo hôn, thì phải xác định người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án buộc chấm dứt quan hệ đó mà lại thực hiện hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án buộc chấm dứt quan hệ đó.
Nếu một người đã bị xử phạt hành chính về hành vi tổ chức việc kết hôn cho những người chưa đến tuổi kết hôn, mà lại có hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của tòa án buộc chấm dứt quan hệ đó, thì chưa cấu thành tội tảo hôn.
Ngược lại, nếu một người đã bị xử phạt hành chính về hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của tòa án buộc chấm dứt quan hệ đó, mà lại có hành vi tổ chức việc kết hôn cho những người chưa đến tuổi kết hôn thì chưa cấu thành tội tổ chức tảo hôn.
b) Hậu quả
Đối với tội tổ chức tảo hôn, hậu quả của tội phạm là những thiệt hại do hành vi tổ chức việc kết hôn cho người chưa đến tuổi kết hôn.
Đối với tội tảo hôn, hậu quả của tội phạm là những thiệt hại do hành vi có ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án buộc chấm dứt quan hệ đó gây ra.
Hậu quả của tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn đều gây ra một hậu quả chung là duy trì những phong tục tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc, tội phạm hoàn thành từ khi xác lập quan hệ hôn nhân hoặc từ sau khi có quyết định của tòa án buộc chấm dứt quan hệ đó nhưng vẫn cố ý duy trì quan hệ đó.
Hậu quả của hai tội phạm này có thể chưa xảy ra ngay khi đã có hành vi tổ chức tảo hôn hoặc hành vi tảo hôn, nhưng nếu vẫn duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật thì về lâu dài có thể gây ra những thiệt hại cho chính người duy trì quan hệ vợ chồng chưa đến tuổi kết hôn như sức khỏe bị tổn hại do sinh sản quá sớm, con do họ sinh ra quặt quẹo…
4. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện hành vi tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ việc tổ chức kết hôn cho những người chưa đến tuổi kết hôn hoặc duy trì quan hệ vợ chồng với người chưa đến tuổi kết hôn là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả xảy ra hoặc có thể xảy ra, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.
Đối với tội tảo hôn, điều văn của điều luật đã quy định rõ ý thức chủ quan của người phạm tội (cố ý duy trì…).
Thư Viện Pháp Luật