Mặt khách quan của tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội

Nhận biết mặt khách quan của tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội qua dấu hiệu nào?

    Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm:
 
    a) Hành vi khách quan
 
    Người phạm tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, có thể thực hiện một trong các hành vi sau:
 
    Ra quyết định khởi tố bị can, kết luận điều tra, quyết định truy tố đối với người không có tội.
 
    Một người được coi là không có tội nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự, đó là: không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; tội phạm đã được đại xá.
 
    Phạm vi xác định hành vi khách quan của tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội được giới hạn bởi hành vi ra các quyết định khách thể bị can, kết luận điều tra đề nghị Viện kiểm sát truy tố, quyết định truy tố (bản cáo trạng) của Viện kiểm sát đối với người không có tội. Tuy nhiên, để xác định hành vi khách quan thì cũng cần phải xác định hành vi khác có liên quan đến hành vi khách quan.
 
    Sau khi khởi tố bị can và trong quá trình hoạt động tố tụng, người tiến hành tố tụng còn có những hành vi khác xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người không có tội như: ra lệnh tạm giam, gia hạn tạm giam, kê biên tài sản, phong tỏa tài sản, thu giữ đồ vật, nhưng các hành vi này không phải là hành vi khách quan của cấu thành tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội mà đó chỉ là những thủ đoạn để phục vụ cho hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội.
 
    Tuy nhiên, nếu vụ án không có đồng phạm, mà người có thẩm quyền đã do thiếu trách nhiệm, không kiểm tra mà ra lệnh tạm giam, lệnh bắt tạm giam người không có tội theo sự đề xuất của người có hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội thì thuộc trường hợp phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự. Nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà ra lệnh tạm giam, lệnh bắt tạm giam người không có tội thì ị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật quy định tại Điều 303 Bộ luật hình sự. Nếu sau khi khởi tố bị can mà vụ án có đồng phạm thì tất cả những hành vi trên, cũng như các hành vi bức cung, nhục hình, làm sai lệch hồ sơ vụ án, vi phạm niêm phong, kê biên tài sản, thu giữ đồ vật…, chỉ là những thủ đoạn của người phạm tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội sử dụng để đạt được mục đích của mình mà thôi.
 
    Trường hợp chưa khởi tố bị can mà người có thẩm quyền mới ra quyết định khởi tố vụ án thì chưa coi là hành vi phạm tội vì quyết định khởi tố vụ án chưa xác lập một hiện tượng (tội phạm) tồn tại. Thông thường người có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và liền sau đó ra quyết định khởi tố bị can (trong những trường hợp bắt người phạm tội quả tang hoặc bắt người trong trường hợp khẩn cấp) nhưng không ít trường hợp sau khi khởi tố vụ án (xác định có sự việc phạm tội) nhưng vì chưa biết ai là người thực hiện hành vi phạm tội nên chưa quyết định khởi tố bị can.
 
    Trong hoạt động tố tụng hình sự, ngoài những quyết định khởi tố bị can, kết luận điều tra, quyết định truy tố thì còn có những quyết định có liên quan trực tiếp đến người không có tội như: ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp, ra lệnh bắt người để tạm giam, quyết định áp dụng hoặc thay đổi các biện pháp ngăn chặn, quyết định kháng nghị theo hướng có tội khi Tòa tuyên bố không phạm tội, kiểm sát viên luận tội và đề nghị Hội đồng xét xử kết án người không có tội… Các quyết định này chỉ là những hành vi tố tụng trong quá trình tiến hành tố tụng chứ không phải là hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
    Vì vậy, nếu những người có thẩm quyền biết rõ người không có tội, nhưng vẫn ra các quyết định trên thì tùy trường hợp mà họ có thể là người đồng phạm với người có hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội hoặc họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng, như tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật.
 
    Mặc dù điều luật không quy định, nhưng người phạm tội này nhất thiết phải lợi dụng chức vụ, quyền hạn để truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội; nếu không lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội được. Nhà làm luật không quy định dấu hiệu này trong điều luật không phải là thiếu sót mà là không cần thiết, vì khi xác định chủ thể của tội phạm này đã thể hiện dấu hiệu này. Người có thẩm quyền trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự ngoài Chánh án, Phó Chánh án, thẩm phán, hội thẩm (chủ thể của tội ra bản án trái pháp luật), thì có Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát; điều tra viên; kiểm sát viên. Những người này đều là người có chức vụ, quyền hạn và muốn truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội được thì nhất thiết phải lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình.
 
    b) Hậu quả
    Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Tuy nhiên, nếu hậu quả xảy ra thì tùy trường hợp, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc khoản 3 của điều luật.
 
    Hậu quả do hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội là những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự của người bị oan; làm mất uy tín của cơ quan tiến hành tố tụng mà trực tiếp là cơ quan mà người phạm tội công tác; những thiệt hại về vật chất do phải minh oan, xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho người bị oan và những thiệt hại khác cho xã hội.
 
    c) Các dấu hiệu khách quan khác
 
    Điều luật không quy định dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, để xác định hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự của người có thẩm quyền đã cấu thành tội phạm này hay không cần xác định thế nào là người được coi là không có tội. Đây là vấn đề lý luận cũng như thực tiễn xét xử cũng có nhiều ý kiến khác nhau.
 
    Nếu theo quy định tại Điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự thì không có ai bị coi là có tội và phải hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Nếu căn cứ vào quy định này thì hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội chỉ xảy ra sau khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, vì trước khi bản án đã có hiệu lực pháp luật thì đã ai biết là một người có tội hay không có tội.
 
    Điều 293 Bộ luật hình sự quy định “biết rõ người không có tội” còn Điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự quy định “không ai bị coi là có tội”. Người không có tội và người không bị coi là có tội là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Người không có tội quy định Điều 293 Bộ luật hình sự là người mà theo quy định tại Điều 8 Bộ luật hình sự không phải là tội phạm, còn Điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự quy định tính chất pháp lý, xã hội đối với quyền con người. Một người không có tội tức là họ không thực hiện hành vi phạm tội hoặc nếu có thực hiện hành vi nhưng hành vi đó không cấu thành tội phạm; còn một người không bị coi là có tội là người chưa bị Tòa án kết án và bản án đó chưa có hiệu lực pháp luật nhưng họ vẫn có thể là người thực hiện hành vi phạm tội.
 
    Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội có thể chỉ truy cứu một hoặc một số tội phạm mà họ không thực hiện còn các tội phạm khác họ thực hiện vẫn bị truy cứu. Ví dụ: A chỉ phạm tội trộm cắp tài sản nhưng lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả tội cướp tài sản mà tội phạm này A không phải là người thực hiện.
 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm hoạt động tư pháp

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào