Thông qua hay quyết định?
Theo quy định của Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân (HĐND) và Ủy ban Nhân dân (UBND) thì: “HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên”.
Trong khi đó nhiều tờ trình của UBND các cấp trình ra trước HĐND cùng cấp hay nghị quyết sau mỗi kỳ họp của HĐND nếu nhất trí (hoặc không nhất trí) thường được một số báo, đài hoặc một số cá nhân vẫn quen sử dụng những cụm từ: “Thống nhất thông qua”, “đồng ý thông qua”, “thông qua”, “xác nhận kết quả”… Những cụm từ này chưa thể hiện tính quyền lực của HĐND trong việc quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng của địa phương.
Một giải thích mới nhất từ Công văn số 257/STP-VBPL ngày 29-6-2011 đề cập vấn đề này khá chính xác là nên dùng những cụm từ như: “Quyết định”, “nhất trí”, “không nhất trí”, “phê chuẩn”, “phê duyệt”… Đây là những cụm từ thể hiện đúng quyền hạn, thẩm quyền theo quy định tại Luật Tổ chức HĐND và UBND. Như trong trường hợp bạn đề cập theo chúng tôi nên gọi: “Tại kỳ họp thứ X. HĐND khóa Y. đã quyết định (hoặc chấp nhận) tờ trình…”, “tại kỳ họp thứ X-HĐND khóa Y. đã ban hành nghị quyết về…”. Ví dụ: “Ngày 1-8, Quốc hội nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về cơ cấu tổ chức của Chính phủ.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn phương án cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XIII (nhiệm kỳ 2011-2016) giữ nguyên gồm 22 bộ, cơ quan ngang bộ” (Tuổi trẻ ngày 2-8-2011).
Thư Viện Pháp Luật