Ghi tên cha vào giấy khai sinh
Trường hợp ba bạn muốn nhận bạn và ghi tên mình vào phần cha đẻ của bạn trong giấy khai sinh thì ba con bạn phải làm thủ tục nhận cha con tại Sở tư pháp tỉnh, thành phố nơi bạn sinh sống.
Hồ sơ đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài kết hợp đăng ký khai sinh lập thành 01 bộ hồ sơ gồm những giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con (theo mẫu);
- Tờ khai đăng ký khai sinh (theo mẫu);
- Căn cứ chứng minh quan hệ cha, con hoặc mẹ, con (nếu có);
- Bản sao Sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), bản sao Thẻ thường trú (đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam) của người được nhận là cha, mẹ, con;
- Bản sao một trong các giấy tờ để chứng minh về nhân thân như Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu (đối với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước), Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế như Giấy thông hành hoặc Thẻ cư trú (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài);
- Bản chính Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp hoặc giấy tờ thay thế Giấy chứng sinh (nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng; trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực).
- Giấy thỏa thuận của cha và mẹ đứa trẻ về việc chọn quốc tịch trong trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con. Giấy thỏa thuận về việc chọn quốc tịch phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước mà người nước ngoài là công dân về việc chọn quốc tịch cho con là phù hợp với pháp luật của nước đó.
Lưu ý:
1. Vào thời điểm nộp hồ sơ, bên nhận và bên được nhận phải còn sống, tự nguyện nhận cha, mẹ, con và không có tranh chấp về việc nhận cha, mẹ, con. Hồ sơ nhận cha, mẹ, con phải do người có yêu cầu nộp trực tiếp tại Sở Tư pháp.
2.. Bản sao các giấy tờ trong hồ sơ phải được chứng thực hợp lệ. Trường hợp bản sao giấy tờ không có chứng thực thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu.
3. Các văn bản do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp phải hợp pháp hóa lãnh sự (trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự) và dịch ra tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Văn bản được cấp từ cơ quan Đại diện ngoại giao của nước ngoài đang trú đóng tại Việt Nam thì do Bộ Ngoại giao Việt Nam hoặc cơ quan Ngoại vụ được Bộ Ngoại giao Việt Nam ủy nhiệm hợp pháp hóa lãnh sự.
- Văn bản được cấp từ nước ngoài do cơ quan Lãnh sự Việt Nam tại nước đó hợp pháp hóa. Trường hợp văn bản được cấp từ nước ngoài đã mang về Việt Nam nhưng chưa được hợp pháp hóa thì văn bản này phải thông qua cơ quan Ngoại giao của nước cấp văn bản đang trú đóng tại Việt Nam thị thực. Sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam hay cơ quan Ngoại vụ được Bộ Ngoại giao Việt Nam ủy nhiệm hợp pháp hóa lãnh sự.
Ba con bạn nên đến trực tiếp sở tư pháp tỉnh, thành phố nơi bạn sinh sống để được hướng dẫn cụ thể .
Thư Viện Pháp Luật