Nhận biết mặt khách quan của tội ra bản án trái pháp luật

Nhận biết mặt khách quan của tội ra bản án trái pháp luật qua các dấu hiệu nào?

a) Hành vi khách quan
 
    Thẩm phán, hội thẩm ra bản án trái pháp luật có thể bằng cách viết, tuyên án, ban hành bản án mà biết rõ là trái pháp luật. Tuy nhiên, nếu mới viết ra nhưng chưa tuyên án, chưa ban hành thì chưa phải là ra bản án.
 
    Bản án được ví như là sản phẩm cuối cùng của quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhưng đó là kết quả trực tiếp của hoạt động xét xử của Hội đồng xét xử. Do đó trách nhiệm trực tiếp đối với bản án là của các thành viên Hội đồng xét xử. Vì là “sản phẩm” nên bản án phải là một văn bản có giá trị thi hành, nếu mới viết ra (soạn thảo) mà chưa tuyên đọc hoặc chưa ban hành thì chưa coi là đã “ra bản án”, mà đó chỉ là dự thảo bản án. Trường hợp bản án đã được thông qua trong phòng nghị án, có đủ các chữ ký của các thành viên Hội đồng xét xử nhưng vì lý do nào đó mà bản án đó chưa được tuyên đọc, chưa được ban hành, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và cơ quan, tổ chức có liên quan chưa nhận được và toàn bộ các quyết định của bản án đó chưa được thi hành thì là trường hợp phạm tội chưa đạt.
 
    Để ra được một bản án trái pháp luật, thẩm phán hoặc hội thẩm phải bằng những thủ đoạn khác nhau, vì bản án khác với quyết định. Quyết định có thể do một người ban hành nhưng bản án và văn bản của cả một tập thể (Hội đồng xét xử ba người hoặc năm người, nếu là quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì có thể nhiều hơn). Vì vậy, để ra một bản án trái pháp luật mà không bị phát hiện thì người phạm tội phải thực hiện nhiều thủ đoạn khác nhau. Ví dụ: nếu chỉ có thẩm phán chủ tọa có hành vi ra bản án trái pháp luật thì họ phải nói dối với các hội thẩm, thẩm phán khác hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác để các hội thẩm, thẩm phán khác ký vào bản án và biên bản nghị án.
 
    Trường hợp thẩm phán đã tuyên đọc bản án trái pháp luật nhưng sau khi tuyên án, vì sợ bị trách nhiệm nên đã sửa chữa bản án (bản án được ban hành) theo hướng không trái pháp luật thì người thẩm phán đó vẫn phạm tội ra bản án trái pháp luật, bởi lẽ bản án tuy chưa ban hành nhưng đã công bố (tuyên án) là đã hoàn thành hành vi ra bản án.
 
    Liên quan đến hành vi ra bản án trái pháp luật là việc nghị án. Theo quy định của pháp luật thì nghị án là cơ sở cho việc ra bản án; bình thường thì nội dung nghị án được xác định là tài liệu gốc, nếu giữa bản án và biên bản nghị án có sự khác nhau thì căn cứ vào biên bản nghị án để xác định. Vì vậy, nếu tội phạm tuyên đọc bản án hoặc ban hành bản án trái pháp luật nhưng biên bản nghị án lại không trái pháp luật thì chỉ có thẩm phán chịu trách nhiệm về việc ra bản án trái pháp luật, còn hội thẩm không chịu trách nhiệm về bản án trái pháp luật đó. Tuy nhiên, hành vi nghị án và biên bản nghị án chưa phải là hành vi ra bản án. Vì vậy, nếu Hội đồng xét xử mới nghị án nhưng chưa ra bản án thì tùy từng trường hợp mà các thành viên Hội đồng xét xử bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ra bản án trái pháp luật quy định tại Điều 296 Bộ luật hình sự.
 
    b) Hậu quả
 
    Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Tuy nhiên, nếu hậu quả xảy ra thì tùy từng trường hợp, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc 3 của điều luật.
 
    c) Các dấu hiệu khách quan khác
 
    Đối với tội ra bản án trái pháp luật ngoài hành vi khách quan, nhà làm luật còn quy định một dấu hiệu khách quan rất quan trọng, đó là tính trái pháp luật của bản án mà thẩm phán, hội thẩm ban hành.
 
    Một bản án bị coi là trái pháp luật là bản án có nội dung không đúng với quy định của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự. Nói chung, bản án trái pháp luật là bản án có những sai lầm nghiêm trọng về việc áp dụng Bộ luật hình sự và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng tới mức phải kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, như:
 
    - Kết án một người mà biết rõ là không có tội hoặc không kết án một người mà biết rõ là có tội.
 
    - Áp dụng không đúng điều khoản của Bộ luật hình sự theo hướng nặng hơn hoặc nhẹ hơn đối với người phạm tội; áp dụng không đúng loại hình phạt hoặc áp dụng hình phạt quá nặng hoặc nhẹ đối với người phạm tội hoặc cho hưởng án treo không đúng với quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự; áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự; áp dụng không đúng các biện pháp tư pháp quy định trong Bộ luật hình sự.
 
    - Gây thiệt hại cho đương sự trong các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động, hành chính. Ví dụ: truất quyền thừa kế của người thừa kế theo pháp luật về thừa kế họ có quyền thừa kế; cho ly hôn khi không đủ các điều kiện mà pháp luật về hôn nhân và gia đình quy định cho ly hôn; hủy hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế khi các hợp đồng đó không vi phạm điều cấm; buộc người sử dụng lao động phải nhận lại người lao động mà người sử dụng lao động đã buộc thôi việc đúng pháp luật về lao động và hợp đồng lao động; bác yêu cầu của người đi kiện về một quyết định hành chính trái pháp luật của Ủy ban nhân dân…
 
    - Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi xét xử, nghị án và ra bản án, như: thẩm phán và hội thẩm thuộc trường hợp phải từ chối xét xử hoặc bị thay đổi nhưng vẫn tham gia xét xử, xét xử vắng mặt người tham gia tố tụng không đúng với quy định của luật tố tụng; tại phiên tòa không thực hiện đúng trình tự các bước cần tiến hành để xét xử một vụ án.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm hoạt động tư pháp

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào