Quy định về thanh toán tiền thi hành án

Theo quyết định của Toà án, ngày 10/03/2014 bà A phải trả cho ông B khoản tiền là 120.000.000đ. Ngày 20/8/2014, vợ chồng bà A thế chấp tài sản cho Ngân hàng để vay vốn là 500.000.000đ. Tiếp đó, ngày 12/5/2015, Toà án xét xử, quyết định bà A phải trả cho bà C khoản tiền là 400.000.000. Hỏi: Trường hợp này khi Chấp hành viên kê biên tài sản của vợ chồng bà A đang thế chấp tại Ngân hàng thì Ngân hàng có được ưu tiên thanh toán không? Tôi muốn biết quy định của pháp luật về thứ tự thanh toán tiền thi hành án. Rất mong nhận được trả lời của Ban tư vấn pháp luật.

Trường hợp bạn hỏi chúng tôi không có hồ sơ thi hành án nên chúng tôi nêu quy định về việc chi tiền thi hành án để bạn tham khảo như sau:

Khoản 20 Điều 1 của Luật số 64/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự quy định: “1. Số tiền thi hành án, sau khi trừ các chi phí thi hành án và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này thì được thanh toán theo thứ tự sau đây:
a) Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần;
b) Án phí, lệ phí Tòa án;
c) Các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.
2. Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện như sau:
a) Việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự quy định tại khoản 1 Điều này; trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án;
b) Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án được thanh toán cho những người được thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó; số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán;
c) Sau khi thanh toán theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này, số tiền còn lại được trả cho người phải thi hành án.
3. Trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp là bên được thi hành án hoặc trường hợp bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể thì số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp, bị kê biên được ưu tiên thanh toán cho bên nhận cầm cố, thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ được bảo đảm sau khi trừ án phí của bản án, quyết định đó, chi phí cưỡng chế và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này.
Trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp không phải là người được thi hành án thì người nhận cầm cố, thế chấp được ưu tiên thanh toán trước khi thanh toán các khoản theo quy định tại Điều này”.
Khoản 2 Điều 90 Luật Thi hành án dân sự quy định: “2. Khi kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận cầm cố, nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán”.
Như vậy, theo quy định trên Ngân hàng được ưu tiên thanh toán. Việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự nêu trên, số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án được thanh toán cho những người được thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào