Đòi lại tiền đặt cọc

Kính nhờ Luật sư tư vấn giúp tôi  Gia đình tôi có một lô đất nằm ở trung tâm thành phố. Lô đất này do mẹ tôi đứng tên chủ quyền sở hữu, trong hộ khẩu gia đình chỉ có mẹ tôi và tôi. Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 5/2011 thị trường Bất động sản tại Miền Trung rất sôi động, giá đất tăng rất cao. Cũng trong thời gian này mẹ tôi có một chuyến du lịch các tỉnh miền Nam, bà sợ mất cơ hội nhận được khoản tiền cao từ Lô đất này nên trước khi đi đã làm giấy Ủy quyền cho tôi toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến Lô đất nói trên trong thời gian bà đi vắng (Giấy Ủy quyền này do UBND Phường xác nhận chữ ký của người ủy quyền). Cũng thời gian này thì có một khách hàng muốn mua Lô đất của gia đình tôi, bà ta điện thoại thỏa thuận giá cả với mẹ tôi và đồng ý đặt cọc tiền với thời hạn 30 ngày để lấy Lô đất đó. Việc đặt cọc được thực hiện tại Ngân hàng. Khi đi nhận tiền đặt cọc và ký hợp đồng thì bên mua không đòi hỏi giấy mẹ tôi ủy quyền cho tôi và họ vẫn ký vào hợp đồng đặt cọc (Tôi và bên mua ký) Vấn đề là trong Hợp đồng đặt cọc và mua bán đất tôi chỉ ghi là "Bà Vũ Thị A ủy quyền cho con gái là Vũ Thị B nhận tiền đặt cọc "lẽ ra nếu đã ghi thì phải ghi đầy đủ là " Bà Vũ Thị A ủy quyền cho con gái là Vũ Thị B nhận tiền đặt cọc và ký hợp đồng" . Điều khoản: Thời hạn đặt cọc là 30 ngày, trong thời gian này nếu Bên Bán vi phạm hợp đồng sẽ bị phạt gấp đôi tiền cọc, còn bên mua nếu không thanh toán đủ số tiền còn lại trong thời gian quy định của Hợp đồng thì Bên Mua mất tiền cọc.  Khi đi du lịch về mẹ tôi có ký xác nhận với Bên mua là đã nhận đủ số tiền đặt cọc từ tôi. Hết thời hạn 30 ngày, bên mua vẫn chưa có đủ tiền để thanh toán hết Hợp đồng nên có xin mẹ tôi gia hạn cho họ thêm 14 ngày nữa để họ có điều kiện trả một lần số tiền còn lại của Lô đất, việc thỏa thuận này 2 bên có ký kết cùng với các điều khoản nếu Bên mua không thanh toán đúng hạn thì sẽ bị mất toàn bộ tiền đặt cọc. (thỏa thuận này mẹ tôi ký) Thực tế đến bây giờ vẫn chưa có người hỏi mua Lô đất của nhà tôi. Lúc Bên Mua đặt cọc tiền thì đất có giá rất cao, nay thì Thị trường bất động sản đóng băng,đất đã bị rớt giá và trong thời gian gia hạn thời gian thanh toán, Khách hàng đã nhiều lần tìm người đến để sang tay Lô đất của nhà tôi nhằm trục lợi. Như vậy, giờ thấy đất rớt giá và không thể trục lợi từ Lô đất của Nhà tôi, phía khách hàng đã gởi đơn lên Tòa án để kiện gia đình tôi nhằm đòi lại tiền đặt cọc. Tòa án đã gửi thông báo đến gia đình chúng tôi và yêu cầu có thông tin phản hồi. Vậy kính mong Luật sư tư vấn giúp tôi trong trường hợp tôi ghi thiếu cụm từ "..Ký hợp đồng" như trên thì Giấy ủy quyền có hiệu lực hay không, Hợp đồng của tôi có bị vô hiệu hay không ạ. Gia đình tôi phải có thông tin phản hồi như thế nào đối với phía Tòa án Vẫn trong thời gian gia hạn hợp đồng nhưng  Bên Mua nhiều lần tìm người bán lại Lô đất của gia đình tôi, B ên Mua liên tục chỉ người đến trả giá rất cao so với Lô đất và xin đặt cọc ngay không tính toán. Nếu gia đình tôi tham tiền thì sẽ bán ngay Lô đất đó và đã bị phạt vi phạm hợp đồng rồi, nhưng mà gia đình tôi không chấp nhận. Thấy không lay chuyển được quyết định của gia đình tôi thì bên mua liên tục đòi lại tiền đặt cọc và cho người đến nói rằng gia đình tôi ăn cướp tiền của họ. Vậy trong trường hợp này gia đình tôi có thể kiện ngược lại không ạ?

Vì tranh chấp ở đây là tranh chấp "hợp đồng đặt cọc" và Tòa án đã thụ lý giải quyết.
Tôi phải căn cứ vào Hợp đồng này để biết quy định các điều khoản như thế nào? Lúc này mới tư vấn cho bạn tốt được. Còn về việc thiếu ủy quyền phần "ký hợp đồng" thì bạn tham khảo Điều 145. Hậu quả của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện

1. Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người đại diện hoặc người được đại diện đồng ý. Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện phải thông báo cho người được đại diện hoặc người đại diện của người đó để trả lời trong thời hạn ấn định; nếu hết thời hạn này mà không trả lời thì giao dịch đó không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, nhưng người không có quyền đại diện vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện.

2. Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc huỷ bỏ giao dịch dân sự đã xác lập và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch.

Điều 146. Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện

1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối; nếu không được sự đồng ý thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện.

2. Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc huỷ bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.

3. Trong trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào