Cướp giật tài sản và đồng phạm
Điều 20 BLHS quy định về đồng phạm như sau:
Điều 20. Đồng phạm
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
3. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
Theo thông tin mà bạn đưa ra thì bạn của bạn đi cùng xe với người giật điện thoại và được chia 200.000 đồng sau khi bán chiếc điện thoại đó. Như vậy có đủ căn cứ để xác định hai người đó có cùng ý chí để thực hiện tội phạm nên hai người phạm tội Cướp giật tài sản theo quy định tại Điều 136 BLHS, cụ thể như sau:
“Điều 136. Tội cướp giật tài sản
1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
h) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng.”
Như vậy, nếu cơ quan tố tụng chứng minh được trường hợp phạm tội trên là "có tổ chức "(có người chỉ huy, cầm đầu, có sự phối hợp, phân công của từng người…) theo quy định tại khoản 3, Điều 20 thì trường hợp phạm tội sẽ thuộc khoản 2 Điều 136, mức hình phạt từ 3 năm đến 10 năm. Còn nếu không chứng minh được là tội phạm có tổ chức thì hành vi đó chỉ thuộc khoản 1, Điều 136 và mức hình phạt là từ 1 năm đến 3 năm.
Với tội cướp giật tài sản thì ít khi được hưởng án treo. Trong vụ việc này nếu bạn của bạn chỉ là người ngồi sau và được chia tiền chứ không phải là chủ mưu, cầm đầu thì mức trách nhiệm hình sự sẽ thấp hơn người giật điện thoại. Cụ thể mức hình phạt bao nhiêu còn phụ thuộc vào những tình tiết khác có trong hồ sơ vụ án. Với thông tin sơ lược mà bạn đưa ra thì chưa thể xác định được mức hình phạt là mấy năm tù.
Còn việc có thể được tại ngoại hay không phụ thuộc nhiều vào thái độ của bị cáo, có hợp tác với cơ quan điều tra hay không? Hoàn cảnh có thực sự khó khăn hay không. Với tội cướp giật tài sản thì rất hiếm khi được tại ngoại.
Thư Viện Pháp Luật