Chuyển từ công ty TNHH MTV thành công ty cổ phần
A. Chuyển từ công ty TNHH MTV thành công ty Cổ phần thì cần những điều kiện và thủ tục như thế nào? Ưu điểm và nhược điểm khi chuyển đổi?
Trước đây, một công ty TNHH MTV có thể chuyển đổi trực tiếp thành công ty Cổ phần. Tuy nhiên, hiện nay, theo quy định của Sở Kế hoạch đầu tư Tp.Hồ Chí Minh, một công ty TNHH MTV khi muốn chuyển đổi thành công ty Cổ phần phải chuyển qua hai bước:
Bước 1: Công ty TNHH MTV chuyển thành công ty TNHH hai thành viên.
Bước 2: Công ty TNHH hai thành viên chuyển thành Công ty Cổ phần.
Đối với bước 1: thủ tục như sau
1- Giấy đề nghị chuyển đổi doanh nghiệp (do người đại diện theo pháp luật ký)
2- Điều lệ công ty chuyển đổi.
3- Danh sách thành viên và bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân hoặc pháp nhân còn hiệu lực của tất cả các thành viên, người đại diện theo pháp luật:
3.1- Cá nhân có quốc tịch Việt Nam: Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu;
3.2- Cá nhân có quốc tịch nước ngoài:
a. Đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam: Giấy đăng ký tạm trú do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và Hộ chiếu.
b. Đối với người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam: Hộ chiếu;
3.3- Nếu thành viên là tổ chức: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế);
Nếu thành viên mới là tổ chức nước ngoài thì các loại giấy tờ chứng thực nêu trên phải được hợp pháp hóa lãnh sự, có bản dịch sang tiếng Việt được xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
4- Hợp đồng chuyển nhượng hoặc giấy tờ xác nhận việc tặng cho một phần quyền sở hữu của công ty (đối với trường hợp chủ sở hữu công ty chuyển nhượng, tặng cho một phần sở hữu của mình tại công ty cho một hoặc một số cá nhân khác);
5- Quyết định của chủ sở hữu công ty về việc huy động vốn góp (đối với trường hợp công ty huy động thêm vốn góp từ một hoặc một số cá nhân khác);
6- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế;
7- Cam kết hợp đồng, cam kết nợ, cam kết lao động.
Đối với bước 2: thủ tục như sau
1- Giấy đề nghị chuyển đổi doanh nghiệp
2- Quyết định của Hội đồng thành viên về việc chuyển đổi công ty
3- Biên bản họp của Hội đồng thành viên về việc chuyển đổi công ty
4- Điều lệ công ty sau khi chuyển đổi
5- Danh sách cổ đông sáng lập hoặc cổ đông phổ thông và bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân hoặc pháp nhân còn hiệu lực của cổ đông, người đại diện theo ủy quyền và người đại diện theo pháp luật:
5.1- Cá nhân có quốc tịch Việt Nam: Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu.
5.2- Cá nhân có quốc tịch nước ngoài: Giấy đăng ký tạm trú do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, Giấy phép lao động và Hộ chiếu.
5.3- Cổ đông là tổ chức:
- Quyết định thành lập; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế).
- Một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân theo khoản 5.1 và 5.2 nêu trên của người đại diện theo ủy quyền và quyết định ủy quyền tương ứng
6- Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp hoặc thỏa thuận góp vốn đầu tư
7- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế;
8- Cam kết hợp đồng, cam kết nợ, cam kết lao động.
Việc chuyển đổi Công ty TNHH MTV thành Công ty Cổ phần giúp Công ty có được những ưu và khuyết điểm sau:
Công ty cổ phần có rất nhiều lợi thế như: Chế độ trách nhiệm của công ty cổ phần là trách nhiệm hữu hạn, các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn góp nên mức độ rủi do của các cổ đông không cao; Khả năng hoạt động của công ty cổ phần rất rộng, trong hầu hết các lịch vực, ngành nghề; Cơ cấu vốn của công ty cổ phần hết sức linh hoạt tạo điều kiện nhiều người cùng góp vốn vào công ty; Khả năng huy động vốn của công ty cổ phần cao thông qua việc phát hành cổ phiếu ra công chúng là không giới hạn, đây là lợi thế riêng của công ty cổ phần. Ngoài ra, việc chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần là tương đối dễ dàng, do vậy phạm vi đối tượng được tham gia công ty cổ phần là rất rộng, ngay cả các cán bộ công chức cũng có quyền mua cổ phiếu của công ty cổ phần.
Bên cạnh những lợi thế nêu trên, loại hình công ty cổ phần cũng có những hạn chế nhất định như việc thành lập và quản lý công ty cổ phần cũng phức tạp hơn các loại hình công ty khác do bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật, đặc biệt về chế độ tài chính, kế toán; Việc quản lý và điều hành công ty cổ phần rất phức tạp do số lượng các cổ đông có thể rất lớn (không hạn chế được số lượng thành viên tham gia vào công ty) có nhiều người không hề quen biết nhau và thậm chí có thể có sự phân hóa thành các nhóm cổ động đối kháng nhau về lợi ích; Chủ sở hữu (thường và đa số) không trực tiếp tham gia vào hoạt động hàng ngày của công ty đồng thời, loại hình công ty cổ phần cũng có nguy cơ dễ bị người khác, công ty khác thôn tính.
Riêng đối với trường hợp của bạn thì việc cổ phần hóa công ty còn giúp những người góp vốn chính thức được pháp luật công nhận, trường hợp xảy ra tranh chấp, thì quyền lợi của những người góp vốn này được đảm bảo an toàn hơn, ít bị xâm hại hơn so với công ty TNHH MTV.
B. Công ty TNHH MTV thì "MTV" ở đây là gì? MTV có thể là một tổ chức được không? Nếu được thì bộ máy cơ cấu của công ty sẽ như thế nào?
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Vậy chữ “MTV” ở đây là chỉ số lượng thành viên của doanh nghiệp, chỉ có “một tổ chức” hoặc “một cá nhân”.
Như nêu trên, MTV có thể là một tổ chức.
Bộ máy cơ cấu của công ty trong trường hợp thành viên là tổ chức sẽ có 2 mô hình:
a - Mô hình Chủ tịch công ty: Trường hợp này một người được bổ nhiệm làm người đại diện theo uỷ quyền thì người đó làm Chủ tịch công ty; trong trường hợp này cơ cấu tổ chức quản lý của công ty bao gồm Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên.
b - Mô hình Hội đồng thành viên: Trường hợp có ít nhất hai người được bổ nhiệm làm đại diện theo uỷ quyền thì cơ cấu tổ chức quản lý của công ty bao gồm Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên; trong trường hợp này, Hội đồng thành viên gồm tất cả người đại diện theo uỷ quyền.
Thư Viện Pháp Luật