Nhận biết mặt chủ quan của tội ra quyết định trái pháp luật
Người phạm tội ra quyết định trái pháp luật thực hiện hành vi phạm tội của mình là do cố ý (trực tiếp), tức là người phạm tội nhận thức rõ việc ra quyết định của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
Điều luật quyết định “biết rõ là trái pháp luật”, tức là người phạm tội phải biết rõ quyết định của mình là trái pháp luật; nếu vì lý do nào đó mà người có thẩm quyền không biết rõ là trái pháp luật thì không phạm tội ra quyết định trái pháp luật.
Ví dụ: Nguyễn Văn C là Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an tỉnh B đã ra quyết định kê biên ngôi nhà của bà D vì chồng bà D là H bị bắt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi bị kê biên nhà, bà D đã làm đơn đề nghị Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B xem xét lại quyết định kê biên, vì theo bà D thì ngôi nhà này bà đã thế chấp cho Ngân hàng đầu tư phát triển tỉnh vay 800 triệu đồng để làm vốn kinh doanh. Sau khi nhận đơn của bà D, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã kiểm tra lại thì đúng như đơn khiếu nại của bà D, nên Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an tỉnh B đã ra quyết định hủy bỏ quyết định kê biên ngôi nhà của bà D. Mặc dù hành vi ra quyết định kê biên ngôi nhà của Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra C là trái pháp luật, nhưng do C không biết ngôi nhà đó đã thế chấp ngân hàng để vay tiền, nên không thể coi trường hợp này là trường hợp biết rõ là trái pháp luật.
Cũng như đối với tội ra bản án trái pháp luật, điều luật không quy định động cơ là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này, nhưng việc xác định động cơ của người phạm tội là rất cần thiết. Căn cứ vào động cơ phạm tội mà có thể xác định người phạm tội có biết rõ quyết định của mình có trái pháp luật hay không.
Nếu người có thẩm quyền ra quyết định và biết rõ là trái pháp luật, nhưng vì chấp hành chỉ thị của cấp trên thì tùy trường hợp mà người ra quyết định trái pháp luật vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ra quyết định trái pháp luật, còn người ra chỉ thị (ra lệnh) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc đồng phạm với người ra quyết định trái pháp luật.
Nếu người có thẩm quyền nhận hối lộ mà ra quyết định trái pháp luật thì ngoài tội ra quyết định trái pháp luật còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ.
Thư Viện Pháp Luật