Nhận đất thừa kế và trả nợ cho người đã mất
1. Đối với vấn đề tranh chấp thừa kế của ông bà ngoại bạn:
- Bạn chưa nói rõ ông ngoại bạn chết năm nào (bà bạn chết năm 1991 nên 1/2 nhà đất là di sản của bà bạn đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế). Nếu ông ngoại bạn đã chết được quá 10 năm thì các bác của bạn không còn quyền khởi kiện để yêu cầu chia thừa kế (đã hết thời hiệu khởi kiện nên tòa án không thụ lý vụ việc tranh chấp thừa kế. Mẹ bạn được tiếp tục sử dụng);
- Nếu còn thời hiệu thừa kế của ông ngoại bạn (ông chết chưa quá 10 năm, hoặc có yếu tố nước ngoài theo Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH) thì cần xem lại việc cấp GCN QSD Đ của mẹ bạn có hợp pháp hay không: Nếu việc cấp giấy chứng nhận cho mẹ bạn là hợp pháp (có giấy tờ tặng cho, thừa kế hợp pháp của ông bà bạn) thì các bác không có căn cứ để đòi chia thừa kế. Nếu việc cấp GCN của mẹ bạn mà không hợp pháp thì 1/2 nhà đất đó sẽ được chia cho các thừa kế của ông ngoại bạn. Trong trường hợp này cần xem lại bộ hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận QSD Đ của mẹ bạn để biết là việc cấp GCN đúng hay sai.
2. Đối với hợp đồng vay tài sản có thế chấp:
- Mẹ bạn đã ký vào giấy vay nợ và thế chấp nhà đất nên mẹ bạn phải trách nhiệm đối với giao dịch đó.
- Theo quy định của bộ luật dân sự thì hợp đồng vay nợ không bắt buộc phải có công chứng, chứng thực nên nếu mẹ bạn không chứng minh được là việc ký giấy vay nợ là bị lừa dối, cưỡng ép thì việc vay nợ đó đã có hiệu lực pháp luật, các bên phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng;
- Đối với việc thế chấp bằng nhà đất: Pháp luật quy định việc thế chấp tài sản để đảm bảo nghĩa vụ dân sự thì phải tiến hành thủ tục đăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật. Do vậy, nếu các bên chưa tiến hành thủ tục đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở thì biện pháp đảm bảo bằng thế chấp đó chưa có hiệu lực pháp luật. Mẹ bạn có thể có nghĩa vụ trả khoản nợ trên nhưng vẫn có quyền định đoạt nhà đất trong thời gian thế chấp;
- Nếu mẹ bạn chứng minh được là mẹ bạn chưa nhận được khoản tiền vay đó từ người cho vay và cũng không phải là người sử dụng số tiền vay đó thì mẹ bạn không có nghĩa vụ trả nợ. Nghĩa vụ trả nợ chỉ phát sinh đối với người nhận tiền.
- Nếu mẹ bạn đã ký giấy nhận tiền vay nợ nhưng không phả là người trực tiếp sử dụng khoản tiền vay đó mà giao cho anh họ bạn sử dụng thì mẹ bạn có nghĩa vụ trả nợ cho chủ nợ nhưng có quyền yêu cầu anh họ bạn phải hoàn trả số tiền đó.
Thư Viện Pháp Luật