Trường hơp phạm tội theo khoản 2 Điều 297 BLHS (tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật)

Trường hợp phạm tội theo khoản 2 Điều 297 (tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật) được quy định thế nào?

a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm khác
 
    Điểm a khoản 2 của điều luạt quy định một số tình tiết là yếu tố định khung hình phạt có truy cứu, mức độ nhuy hiểm tương tự, nhưng lại có nội dung khác nhau, nên khi xác định cũng như áp dụng cần chú ý: nếu người phạm tội chỉ thực hiện một trong các tình tiết quy định tại điểm a khoản 2 của điều luật. Ví dụ người phạm tội chỉ dùng thủ đoạn xảo quyệt thì chỉ xác định người phạm tội đã dùng thủ đoạn xảo quyệt để ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật.
 
    Dùng vũ lực để ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật là dùng sức mạnh vật chất tác động đến thân thể nhân viên tư pháp. Sự tác động này có thể gây thương tích hoặc tổn hại đến sức khỏe, nhưng cũng có thể chưa gây ra tương tích hoặc tổn hại đến sức khỏe của nhân viên tư pháp. Ví dụ: dùng súng dí vào đầu, dùng dao găm dí vào cổ… hành vi này cũng tương tự như đối với hành vi dùng vũ lực trong tội cướp tài sản.
 
    Đe dọa dùng vũ lực là bằng hành động hoặc bằng lời nói làm cho nhân viên tư pháp vì sợ mà làm trái pháp luật; người có chức vụ, quyền hạn chỉ đe dọa chứ không thực hiện hành vi vũ lực nếu nhân viên tư pháp không làm trái pháp luật. Hành vi này tương tự như đối với hành vi khách quan trong tội cưỡng đoạt tài sản.
 
    Dùng các thủ đoạn nguy hiểm là người phạm tội sử dụng phương pháp gây huy hại đến tính mạng, sức khỏe của nhân viên tư pháp và những người khác (như bỏ thuốc độc vào bể nước uống; dùng dây chăng qua đường khi nhân viên tư pháp đi xe qua vướng vào dây bị ngã…). Tính nguy hiểm của những thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng không phụ thuộc vào phương tiện mà phụ thuộc vào phương pháp sử dụng, có thể phương tiện không chứa đựng khả năng gây nguy hại đến tính mạng,sức khỏe, nhưng do người phạm tội biết cách sử dụng những phương tiện đó nên tạo ra khả năng gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của nhân viên tư pháp hoặc của người khác.
 
    Dùng các thủ đoạn xảo quyệt là khi thực hiện hành vi ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật, người phạm tội có những mánh khóe, cách thức gian dối, thâm hiểm làm cho nhân viên tư pháp khó lường trước được để đề phòng (như mời nhân viên tội phạm đi ăn uống, hát karaoke có tiếp viên rồi bố trí quay phim, chụp ảnh và dùng phim ảnh đó để khống chế nhân viên tư pháp phải làm trái pháp luật.
 
    b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng
 
     Trường hợp phạm tội này cũng tương tự với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 của điều luật đã phân tích ở trên, chỉ khác ở chỗ mức độ nghiêm trọng cao hơn so với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.
 
    Hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vi ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật là những thiệt hại do hành vi ép buộc người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp gây ra hoặc do hành vi làm trái pháp luật của nhân viên tội phạm bị ép buộc gây ra.
 
    Đối với thiệt hại do hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp gây ra là những thiệt hại do hành vi ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật gây ra cho xã hội, không tính các thiệt hại do hành vi làm trái pháp luật của nhân viên tư pháp bị ép buộc. Nói chung, những thiệt hại do hành vi ép buộc của người có chức vụ, quyền hạn nếu trực tiếp gây ra thiệt hại nghiêm trọng thì đều rơi vào trường hợp dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn nguy hiểm, xảo quyệt mà người phạm tội gây ra cho chính nhân viên tư pháp.
 
    Tuy nhiên, ngoài các thiệt hại mà người phạm tội trực tiếp gây ra cho nhân viên tội phạm thì bằng hành vi ép buộc cũng có thể trực tiếp gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội mà không cần phải thông qua hành vi làm trái pháp luật của nhân viên tư pháp. Ví dụ: một Chánh án tòa án huyện không chịu sự ép buộc của người có chức vụ, quyền hạn để làm trái pháp luật, mà xin từ chức làm cho việc giải quyết các vụ án của Tòa án bị gián đoạn, bị quá hạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của Tòa án huyện đó.
 
    Hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vi làm trái pháp luật của nhân viên tư pháp bị ép buộc gây ra những thiệt hại rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội cho hành vi làm trái pháp luật của nhân viên tư pháp gây ra cho cơ quan, tổ chức, và công dân. Những thiệt hại này nói chung xác định không khó khăn, nhưng vấn đề là ở chỗ thế nào là rất nghiêm trọng, là đặc biệt nghiêm trọng? Ví dụ: do bị ép buộc mà Viện trưởng Viện kiểm sát đã bắt giam và truy tố một người mà họ biết rõ là không có tội thì coi là hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng? Đây là vấn đề cả về lý luận và thực tiễn chưa giải quyết được, nên việc áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp nói chung và về tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật nói riêng còn rất khó khăn.
 
     Ngoài ra, khi áp dụng tình tiết này, Tòa án có thể tham khảo Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BAC-BTP ngày 25-12-2001 để xác định hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vi ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật gây ra. Tuy nhiên, việc tham khảo thông tư này chỉ có ý nghĩa đối với một số trường hợp sau cho phù hợp với hành vi cụ thể và trong trường hợp cụ thể.
 
    Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 297, người phạm tội bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.
 
    Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật hoặc chỉ gây hậu quả rất nghiêm trọng, phạm tội với động cơ không xấu hoặc không kèm theo tội nhận hối lộ và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới hai năm tù nhưng không được quá sáu tháng tù.
 
     Nếu thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội với động cơ xấu hoặc có kèm theo tội nhận hối lộ và có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.
 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm an toàn công cộng

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào