Vấn đề của tôi như sau: Bên A là chủ sở hữu quyền kinh doanh dịch vụ ăn uống tại căn tin B.N trong thời hạn 5 năm. Tôi và bên A có thỏa thuận rằng bên A sẽ sang nhượng lại cho tôi kinh doanh dịch vụ ăn uống tại căn tin B.N trong thời hạn 2 năm. Hai bên đã thỏa thuận lập hợp đồng nhưng chưa kí. Đến ngày 1/6/2013 thì tôi bắt đầu vào kinh doanh và đã đặt cọc 3 tháng mặt bằng. Vì là có quan hệ quen biết nên ngay từ đầu không kí kết hợp đồng luôn mà đặt tiền cọc và vào kinh doanh. Tuy nhiên sau đó, tôi liên tục yêu cầu bên A kí kết hợp đồng nhưng bên A khướt từ lần lượt với nhiều lí do. Đến tháng 12/2013, bên A tiếp tục từ chối kí kết hợp đồng mà đưa tôi tờ giấy cam kết trong đó thể hiện bên A cho tôi thuê mặt bằng tại căn tin B.N để kinh doanh trong thời gian 2 năm. Vì việc không kí kết hợp đồng nên không có sự chắn chắn cho việc đầu tư kinh doanh của tôi ở căn tin B.N, tôi quyết định ngừng kinh doanh. Tiền mặt bằng tôi thanh toán đầy đủ cho đến khi thông báo ngừng kinh doanh. Cho tôi xin hỏi: tôi có quyền khởi kiện bên A để đòi lại tiền đặt cọc, chi phí sửa chữa xây dựng, đầu tư mua sắm và thiệt hại về kinh doanh (căn tin B.N đã ngừng kinh doanh 6 tháng trước khi tôi vào nên phải chịu lỗ thời gian đầu để thu hút khách)?
Đặt cọc thường được quy định để: Giao kết thỏa thuận hoặc bảo đảm thực hiện thỏa thuận. Trên cơ sở nội dung bạn nêu, tôi không thấy mục đích bạn đặt cọc cụ thể để làm gì nên bạn muốn đòi lại tiền đặt cọc thì trước hết phải xác định được mục đích đặt cọc và các nội dung khác quy định trong thỏa thuận đặt cọc. Pháp luật quy định, bạn muốn yêu cầu (kể cả trường hợp khởi kiện) bên kia trả lại tiền đặt cọc và yêu cầu bồi thường (nếu có) thì trước hết bạn phải xác định được theo thỏa thuận đặt cọc, quyền, lợi ích nào của bạn bị xâm phạm và lỗi của bên kia. Như vậy, bạn cần làm rõ các nội dung trong thỏa thuận đặt cọc và các cam kết khác (nếu có) của các bên. Quyền khởi kiện của mọi người luôn được pháp luật khẳng định là "có" nếu họ cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phậm. Tuy nhiên, để tòa án thụ lý thì bạn phải có những chứng cứ cho yêu cầu của mình và để bảo vệ được yêu cầu tại phiên tòa, bạn còn phải chứng minh yêu cầu của bạn là có cơ sở pháp lý đồng thời bác bỏ được cơ sở lập luận của bên kia.