Lái xe hay chủ sở hữu chịu trách nhiệm khi gây tai nạn chết người

Chị tôi đang đi trên vỉa hè thì có một xe tải đâm vào 1 xe tải đang đỗ bên đường, xe đang đổ lao lên vỉa hè và đâm vào chị tôi chết tại chỗ. Xin hỏi lái xe (chủ xe) của xe nào chịu trách nhiệm bồi thường hay cả 2 cùng có trách nhiệm. CHị tôi đang nuôi 2 con nhỏ, chồng là bộ đội đang công tác. Nếu lái xe bồi thường thì có những khoản bồi thường nào và bao nhiêu tiền?

Nếu lái xe có lỗi gây ra cái chết của chị bạn sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 202 BLHS. Nếu do nguyên nhân khách quan thì chỉ phải bồi thường dân sự.

Về nguyên tắc thì chủ sở hữu chiếc xe đó phải bồi thường. Nếu chủ sở hữu đã giao hợp pháp cho lái xe chiếc xe đó để sử dụng thì lái xe phải bồi thường thiệt hại.

Mức bồi thường phụ thuộc vào thiệt hại thực tế xảy ra bao gồm: Tiền cứu chữa; Chi phí mai táng theo phong tục địa phương; Tiền bồi thường tổn thất về tinh thần không quá 60 tháng lương tối thiểu; Tiền cấp dưỡng cho con đến khi 18 tuổi.

Bạn tham khảo quy định sau đây của Bộ luật dân sự năm 2005:

" Điều  [Anchor] 610. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định."

Điều  [Anchor] 623. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

".

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào