Không chăm sóc vợ khi mang thai và nuôi con nhỏ, xử lý thế nào?
Tại Điều 19 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định:
“1. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
2. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác”.
Khoản 1, Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định:
“Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.
Điều 50 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình, như sau:
“1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;
b) Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này”.
Đối chiếu với các quy định trên thì việc người chồng bỏ mặc không quan tâm, chăm sóc vợ trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ đã vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Với hành vi này, tuỳ theo mức độ sẽ bị phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng và phải công khai xin lỗi nếu vợ yêu cầu.
Thư Viện Pháp Luật