Sử dụng chất vàng ô trong sản xuất măng tươi, bị xử phạt như thế nào?
Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Tại Điều 7 quy định vi phạm quy định về sử dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm như sau:
“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất được phép sử dụng trong hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm nhưng quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất không có trong danh mục được phép sử dụng, hóa chất không rõ nguồn gốc để sản xuất, chế biến thực phẩm.
3. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm.
4. Phạt tiền bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này nếu mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt quy định tại Khoản 3 Điều này thấp hơn 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 02 tháng đến 04 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 04 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này;
c) Đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.”
Điều 4 Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân, tổ chức như sau:
“1. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.
2. Trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất của khung tiền phạt theo quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 5; Khoản 6 Điều 6; Khoản 3 Điều 7; Điểm d và Điểm đ Khoản 5, các điểm b, c và d Khoản 6 Điều 16; Khoản 4 Điều 26 Nghị định này mà vẫn còn thấp hơn 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm (đối với cá nhân vi phạm) hoặc thấp hơn 07 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm (đối với tổ chức vi phạm) thì mức phạt được áp dụng bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với cá nhân hoặc 07 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với tổ chức.
3. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
4. Thẩm quyền xử phạt tiền của các chức danh quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.”
Như vậy, căn cứ quy định trên thì hành vi sử dụng chất cấm (chất vàng ô) để sản xuất măng tươi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền là từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với cá nhân; 140.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với tổ chức. Ngoài ra các cơ sở vi phạm còn bị đình chỉ hoạt động sản xuất từ 06 tháng đến 12 tháng và buộc tiêu hủy số chất cấm, măng tươi được gâm bằng chất cấm.
Thư Viện Pháp Luật