Sử dụng phẩm mầu hóa học không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm, bị xử phạt như thế nào?

Để có được món chè thơm ngon, nhiều màu sắc một số quán hàng đã không ngần ngại sử dụng hương liệu, phẩm mầu hóa học để làm cho chè có màu sắc bắt mắt hơn, hấp dẫn hơn. Điều nguy hại là nhiều quán chè sử dụng phẩm màu hóa học được bán rất sẵn trên thị trường mà không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo các nhà khoa học, việc sử dụng các phẩm màu ngoài danh mục cho phép, đặc biệt là các phẩm màu tổng hợp, phẩm màu không rõ nguồn gốc sẽ rất hại, có thể gây ngộ độc cấp tính, tích lũy lâu dài có thể dẫn đến ung thư. Xin hỏi, việc sử dụng phẩm màu hóa học không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ của các quán chè này sẽ bị xử phạt như thế nào?

Tại Khoản 3 Điều 5 Luật An toàn thực phẩm quy định những hành vi bị cấm:

“1….

3. Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

4….”

Điều 22 Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định về xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm. Theo đó, hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố bị xử phạt như sau:

“1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bày bán thức ăn không có bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm an toàn thực phẩm;

b) Không có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, ngăn côn trùng và động vật gây hại;

c) Sử dụng nơi bày bán không cách biệt với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm;

d) Không có thiết bị bảo quản thực phẩm theo quy định;

đ) Sử dụng dụng cụ ăn uống, chế biến, chứa đựng, bảo quản thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm;

e) Dùng tay tiếp xúc trực tiếp với thức ăn.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến, kinh doanh thực phẩm;

b) Sử dụng nguyên liệu để chế biến thức ăn không có nguồn gốc, xuất xứ; hết hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn;

c) Sử dụng phụ gia thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ; hết hạn sử dụng, không có trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng theo quy định, không bảo đảm an toàn;

d) Sử dụng bao gói chứa đựng thức ăn không bảo đảm an toàn thực phẩm;

đ) Kinh doanh thức ăn không bảo đảm an toàn.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn thực phẩm dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy nguyên liệu thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ; hết hạn sử dụng, hỏng, ôi, thiu, thối quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này; phụ gia thực phẩm quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này; thực phẩm hỏng, ôi, thiu, thối quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều này;

b) Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này.”

Như vậy, đối chiếu với quy định trên thì hành vi sử dụng phẩm màu hóa học không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến chè của các chủ quán chè sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 22 Nghị định số 178/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền là từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy phụ gia thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào