Tiêu chuẩn được lái xe đường bộ với người bị khuyết tật
Theo Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, người có một trong các tiêu chí về thể lực hoặc chức năng
sinh lý, bệnh tật (có hoặc không có các thiết bị trợ giúp) theo Phần B của Tiêu chuẩn này là không đủ điều kiện về sức khỏe để điều khiển phương tiện.
Mặc dù Điều 45c Thông tư số 15/2011/TT-BGTVT ngày 31/3/2011 của Bộ Giao thông vận tải về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 7/2009/TT-BGTVT ngày 19/6/2009 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ không đòi hỏi Hồ sơ đổi giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe của nước ngoài phải có Giấy chứng nhận sức khỏe.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật giao thông đường bộ: “Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe”.
Vì vậy, ở Việt Nam, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ còn phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về sức khỏe quy định tại bản “Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ” (Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2008/QĐ- BYT ngày 30/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
Theo quy định tại bản tiêu chuẩn này thì: “Người có một trong các tiêu chí về thể lực hoặc chức năng sinh lý, bệnh tật (có hoặc không có các thiết bị trợ giúp) theo quy định tại Phần B của Tiêu chuẩn này là không đủ điều kiện về sức khỏe để điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ”.
Theo đó, người “Cụt hoặc mất chức năng 1 bàn tay hoặc 1 bàn chân trở lên” (điểm 65, mục B) không đủ điều kiện về sức khỏe để điều khiển đối với các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như xe gắn máy, môtô, ôtô, máy kéo... Do vậy, về nguyên tắc, bạn không đủ điều kiện để đổi giấy phép lái xe như những người không bị khuyết tật.
Về việc người khuyết tật sử dụng xe cơ giới tại Việt Nam: Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về những loại phương tiện nào là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ dành cho người tàn tật? Những tiêu chuẩn nào được áp dụng đối với phương tiện dành cho người tàn tật mà mới chỉ quy định về việc đăng ký, quản lý và lưu hành phương tiện giao thông cơ giới đường bộ dành cho các đối tượng này.
Theo Thông tư liên tịch số 32/2007/TTLT-BCA-BGTVT ngày 28/12/2007 của Bộ Công an và Bộ giao thông vận tải hướng dẫn về việc đăng ký, quản lý và lưu hành phương tiện giao thông cơ giới đường bộ dùng cho thương binh và người tàn tật thì: xe dùng cho người tàn tật sau khi được “kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và người điều khiển đủ các điều kiện” và “Người điều khiển xe cơ giới dùng cho người tàn tật phải đảm bảo độ tuổi, điều kiện sức khỏe theo quy định của Luật giao thông đường bộ và quy định của Bộ Y tế…; Đối với người lái xe gắn máy dưới 50 cm3 phải am hiểu Luật Giao thông đường bộ; Đối với người lái xe mô tô từ 50 cm3 trở lên phải có giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải cấp theo đúng quy định của pháp luật…” được đăng ký dùng cho người tàn tật.
Do đó, về nguyên tắc, người tàn tật cũng được coi là một trong những đối tượng được điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Đối với trường hợp của bạn, mặc dù bạn không đủ điều kiện cấp đổi giấy phép lái xe quốc tế sang giấy phép lái xe Việt Nam và điều kiện điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thông thường nhưng bạn vẫn có thể xin cấp giấy phép lái xe và điều khiển phương tiện giao thông cơ giới dành cho người tàn tật.
Bạn có thể liên hệ với Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Địa chỉ: 106 Thái Thịnh, Đống Đa, TP Hà Nội) hoặc Sở Giao thông vận tải (nơi bạn đăng ký cư trú định cư) để được hướng dẫn cụ thể.
Thư Viện Pháp Luật