Phí thi hành án, chi phí cưỡng chế thi hành án do bên nào chịu?

Tôi có một vụ việc tranh chấp về tài sản với ông H, đã được Tòa án Quận Đống Đa xử mới đây. Tôi muốn nhờ cơ quan thi hành án dân sự giúp thi hành án. Xin hỏi, phí thi hành án và chi phí cưỡng chế thi hành án (nếu phải cưỡng chế thi hành) do Tôi hay ông H phải chịu?

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự, ngày 25 tháng 11 năm 2014 quy định như sau:

Tại khoản 2, Điều 7 quy định về quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án

“2. Người được thi hành án có các nghĩa vụ sau đây:

a) Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định;

b) Thực hiện các quyết định, yêu cầu của Chấp hành viên trong thi hành án; thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú;

c) Chịu phí, chi phí thi hành án theo quy định của Luật này.”

Khoản 2, Điều 7a quy định về quyền, nghĩa vụ của người phải thi hành án, như sau:

“2. Người phải thi hành án có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thi hành đầy đủ, kịp thời bản án, quyết định;

b) Kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án; cung cấp đầy đủ tài liệu, giấy tờ có liên quan đến tài sản của mình khi có yêu cầu của người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai đó;

c) Thực hiện các quyết định, yêu cầu của Chấp hành viên trong thi hành án; thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú;

d) Chịu chi phí thi hành án theo quy định của Luật này”.

Trong khi đó khoản 7, khoản 8, Điều 3 Luật thi hành án dân sự năm 2008 có nêu:

“7. Phí thi hành án là khoản tiền mà người được thi hành án phải nộp khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định.

8. Chi phí cưỡng chế thi hành án là các khoản chi phí do người phải thi hành án chịu để tổ chức cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp pháp luật quy định chi phí cưỡng chế thi hành án do người được thi hành án hoặc do ngân sách nhà nước chi trả”.

Đối chiếu với các quy định trên, thì phí thi hành án do bạn phải chịu.

Riêng chi phí cưỡng chế thi hành án, về cơ bản ông H phải chịu và một số chi phí thì bạn phải chịu, một số chi phí sẽ được ngân sách nhà nước chi trả.

Vì bạn không nói rõ về trường hợp của bạn nên chúng tôi trích dẫn  khoản 1, khoản 2 và khoản 3, Điều 73 quy định về chi phí cưỡng chế thi hành án, bạn có thể tìm cho mình câu giải đáp cụ thể hơn:

“Điều 73. Chi phí cưỡng chế thi hành án

1. Người phải thi hành án chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:

a) Chi phí thông báo về cưỡng chế thi hành án;

b) Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng, chống cháy, nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác cho việc cưỡng chế thi hành án;

c) Chi phí cho việc định giá, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản; chi phí định giá lại tài sản, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này;

d) Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản; chi phí thuê nhân công và khoản chi phục vụ cho việc xây ngăn, phá dỡ; chi thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án;

đ) Chi phí cho việc tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ;

e) Tiền bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành án.

2. Người được thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:

a) Chi phí định giá lại tài sản nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại do có vi phạm quy định về định giá;

b) Một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn, phá dỡ trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu chi phí xây ngăn, phá dỡ.

3. Ngân sách nhà nước trả chi phí cưỡng chế thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Định giá lại tài sản khi có vi phạm quy định về định giá;

b) Chi phí xác minh điều kiện thi hành án;

c) Chi phí cần thiết khác theo quy định của Chính phủ;

d) Trường hợp đương sự được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật”.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào