Chị gái ở nước ngoài nhận cháu ruột làm con nuôi?
Theo điểm b khoản 2 Điều 28 Luật Nuôi con nuôi, chị gái của bạn có thể nhận con trai của bạn (là cháu ruột) làm con nuôi với điều kiện con trai chị dưới 18 tuổi, cả hai vợ chồng chị gái của bạn đều đồng ý nhận nuôi cháu. Vì chị gái của bạn đã kết hôn với người nước ngoài và định cư ở nước ngoài nên việc nhận cháu ruột làm con nuôi phải được phía cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép.
Theo quy định tại Điều 31 và 32 Luật Nuôi con nuôi, hồ sơ nhận con nuôi gồm những giấy từ sau:
- Đối với người nhận con nuôi:
a) Đơn xin nhận con nuôi (theo mẫu);
b) Bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;
c) Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam;
d) Bản điều tra về tâm lý, gia đình (có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 12 tháng tính đến này nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi);
đ) Văn bản xác nhận tình trạng sức khoẻ (có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 12 tháng tính đến này nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi);
e) Văn bản xác nhận thu nhập và tài sản (có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 12 tháng tính đến này nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi);
g) Phiếu lý lịch tư pháp (có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 12 tháng tính đến này nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi);
h) Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;
i) Giấy tờ chứng minh bạn và người nhận con nuôi là hai chị em ruột (có thể là giấy khai sinh của bạn và chị gái bạn).
Các giấy tờ nêu từ điểm b đến điểm h do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi thường trú lập, cấp hoặc xác nhận.
Hồ sơ của người nhận con nuôi được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch sang tiếng Việt và lập thành 02 bộ; Chị gái của bạn có thể trực tiếp nộp hồ sơ cho Cục Con nuôi thuộc Bộ Tư pháp hoặc ủy quyền cho người thân nộp hồ sơ.
- Đối với trẻ em:
a) Giấy khai sinh;
b) Giấy khám sức khoẻ do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;
c) Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;
d) Ý kiến đồng ý cha mẹ đẻ về việc cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.
Hồ sơ của trẻ em được nộp cùng với hồ sơ của người nhận con nuôi.
Thư Viện Pháp Luật