Doanh nghiệp có được yêu cầu nộp bản chính văn bằng và nợ lương người lao động hay không?
1. Công ty không được giữ bản chính Bằng tốt nghiệp Đại học, Chứng chỉ ngoại ngữ, Tin học của bạn. Hành vi này đã vi phạm pháp luật lao động, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và bị buộc phải trả lại các giấy tờ này cho bạn.
Điều 5 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/08/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định như sau:
“…2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;
b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;
b) Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này”.
2. Việc Công ty nợ lương của bạn 2 tháng và chưa xác định thời hạn thanh toán cũng vi phạm pháp luật lao động.
Cụ thể, Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ Luật lao động quy định như sau:
“Điều 24. Nguyên tắc trả lương:
1. Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.
2. Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì không được trả chậm quá 01 tháng. Việc người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động do trả lương chậm được quy định như sau:
a) Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm;
b) Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.
Có nghĩa là, Công ty có nghĩa vụ trả lương đầy đủ, đúng hạn cho bạn. Nếu có lý do chính đáng như trên, thời hạn chậm trả tối đa là 01 tháng.
Bạn có thể gửi yêu cầu tranh chấp này để hòa giải cơ sở, nếu hòa giải không thành, bạn có thể khởi kiện tại tòa án để được giải quyết, bảo vệ quyền lợi của mình.
Thư Viện Pháp Luật