Đang trong thời gian nghỉ không hưởng lương có được hưởng chế độ ốm đau?

Tôi là nhân viên hành chính của Công ty nhà nước kinh doanh vật liệu, thuộc diện ký hợp đồng không xác định thời hạn. Tôi đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội được 2 năm. Ngày 15/2/2016, tôi có làm đơn xin nghỉ không lương 02 tháng để giải quyết việc gia đình. Tuy nhiên, ngày 20/2/2016, tôi bị đau dạ dày cấp, bác sĩ yêu cầu phải mổ và chỉ định tôi nghỉ điều trị 01 tháng. Cho tôi hỏi tôi có được hưởng chế độ ốm đau hay không?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc thì “Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động”  được thực hiện đầu đủ về các chế độ bảo hiểm bắt buộc. Vì vậy, bạn là người được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và được thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc (ốm đau, thai sản, tử tuất, hưu trí, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp). Vì vậy, bạn thuộc trường hợp được hưởng chế độ ốm đau.

Theo quy định tại Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014:

Điều 25. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau

1. Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động thương binh và xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm bắt buộc (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2016) như sau:

Tại khoản 2, Điều 3 quy định:

2. Không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hợp sau đây:

a) Người lao động bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất và Nghị định số 126/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất.

b) Người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

c) Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Như vậy, trong thời gian bạn bị ốm trong thời gian đang nghỉ không hưởng lương  không được giải quyết chế độ ốm đau.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Nghỉ không hưởng lương

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào