Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau

Tôi được tuyển dụng giáo viên (viên chức) từ ngày 01/10/2015 và tham gia đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế từ 01/10/2015, hiện nay tôi bị ốm, thuộc bệnh nằm trong Danh mục bệnh cần điều trị dài ngày, bác sĩ nói tôi cần phải nghỉ để điều trị trong vòng 01 năm. Tôi bắt đầu nghỉ điều trị từ 01/03/2016. Cho tôi hỏi tôi được hưởng chế độ ốm đau như thế nào? Chế độ bảo hiểm y tế khi tôi đi khám đúng tuyến như thế nào? Thời gian khi nghỉ điều trị của tôi có được tính vào thời gian nâng lương thường xuyên không?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội:

“2. Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:

a) Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;

b) Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội”.

Thời gian bạn tham gia bảo hiểm xã hội cho đến khi nghỉ việc để điều trị từ ngày 01/5/2015 đến 1/3/2016 là 10 tháng. Vì vậy, mặc dù bạn phải nghỉ điều trị 01 năm (12 tháng) nhưng thời gian bạn được hưởng chế độ ốm đau tối đa là 10 tháng.

Theo quy định tại Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về mức hưởng chế độ ốm đau như sau:

“1. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 26, Điều 27 của Luật này thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.

2. Người lao động hưởng tiếp chế độ ốm đau quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật này thì mức hưởng được quy định như sau:

a) Bằng 65% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm trở lên;

b) Bằng 55% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;

c) Bằng 50% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.”

Căn cứ vào quy định trên thì mức lương bạn được hưởng trong 10 tháng điều trị như sau:

- 6 tháng đầu nghỉ điều trị mức lương theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

- 4 tháng sau nghỉ điều trị mức lương theo tháng bằng 50% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc

Theo khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế , sửa đổi bổ sung Điều 22 như sau:  

“Điều 22. Mức hưởng bảo hiểm y tế

1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các điều 26, 27 và 28 của Luật này thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:

a) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại các điểm a, d, e, g, h và i khoản 3 Điều 12 của Luật này. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế của đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 của Luật này được chi trả từ nguồn kinh phí bảo hiểm y tế dành cho khám bệnh, chữa bệnh của nhóm đối tượng này; trường hợp nguồn kinh phí này không đủ thì do ngân sách nhà nước bảo đảm;

b) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn mức do Chính phủ quy định và khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã;

c) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến;

d) 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 2, điểm k khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 12 của Luật này;

đ) 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng khác”.

Bạn là giáo viên thuộc viên chức nhà nước. Vì vậy, bạn sẽ được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh

Theo quy định tại điểm b, c, khoản 1, Điều 2, Thông tư 08/2013/TT-BNV ngày 21/7/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động 

“1. Điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh:

…..

b)Các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm:

– Thời gian nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động;

– Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

– Thời gian nghỉ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội cộng dồn từ 6 tháng trở xuống (trong thời gian giữ bậc) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

– Thời gian được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước, ở nước ngoài (bao gồm cả thời gian đi theo chế độ phu nhân, phu quân theo quy định của Chính phủ) nhưng vẫn trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

c) Thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm:

- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương;

- Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định;

- Thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam và các loại thời gian không làm việc khác ngoài quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.

 …”

Như vậy, trong trường hợp bạn phải nghỉ để điều trị bệnh 12 tháng thì chỉ có 6 tháng trong thời gian 12 tháng điều trị bệnh của bạn được tính vào thời gian xét nâng bậc lương thường xuyên, 6 tháng còn lại sẽ không được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào