Đơn phương ly hôn khi chồng ở nước ngoài.
Theo Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
"1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.
Như vậy, theo quy định trên bạn hoàn toàn có quyền đơn phương ly hôn. Do chồng bạn đang ở nước ngoài vì vậy việc giải quyết ly hôn thực hiện theo quy định sau:
Khoản 2 Điều 123 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:"2. Thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Tòa án được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự."
Khoản 2 Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình: "2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam."
Theo Điều 27, 34, 35 và 410 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 và sửa đổi bổ sung năm 2011 (hiện đang còn hiệu lực) thì thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn khi một bên đương sự ở nước ngoài và một bên đang ở Việt Nam thuộc về Tòa án nhân dân câp tỉnh nơi bị đơn cư trú. Vì chồng bạn đang ở Hàn Quốc nên Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi chồng bạn đăng ký thường trú trước khi xuất cảnh.
Theo quy định khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau: “ Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”.
Do con bạn đã 8 tuổi nên khi xem xét giao quyền nuôi con cho ai thì phải xem xét đến nguyện vọng con bạn muốn ở với ai. Trường hợp cháu muốn ở với mẹ thì bạn có thể được Tòa án quyết định cho quyền trực tiếp nuôi con.
Thư Viện Pháp Luật