Hội Liên hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu gia đình hủy kết hôn trái pháp luật không?
Khoản 8 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau: “. Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này.”
Điều kiện về tuổi kết hôn tại điểm a khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau: “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”.
Theo đó thì nam chưa đủ 20 tuổi, nữ chưa đủ 18 tuổi mà kết hôn thì gọi là tảo hôn
Những trường hợp cấm kết hôn được quy định tại Điểm a,b,c,d Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
“a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng”.
Như vậy, do bạn mới 16 tuổi hành vi của các bạn đã vi phạm quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
Theo Điều 47 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì mức phạt đối với hành vi tảo hôn được quy định như sau:
“Điều 47. Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó.”
Theo đó nếu vi phạm điều kiện kết hôn về độ tuổi kết hôn lần đầu thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Nếu sau đó đã bị xử phạt và bị Tòa án buộc chấm dứt quan hệ vợ chồng mà vẫn cố ý duy trì quan hệ vợ chồng đó thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật
“2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:
a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ”
Như vậy, Hội liên hiệp phụ nữ xã có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật trong trường hợp tảo hôn nhưng việc không có quyền đến nhà bạn yêu cầu hủy kết hôn, không được chung sống với nhau. Vì vậy, việc cán bộ Hội phụ nữ xã đến nhà yêu cầu hủy kết hôn, không được chung sống với nhau là không đúng với quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật