Có được giám hộ con của người tình?
Theo quy định của pháp luật về thừa kế, trường hợp người để lại di sản chết mà không để lại di chúc thì di sản thừa kế được chia theo pháp luật. Thừa kế theo pháp luật được hiểu là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Điều 676 Bộ luật dân sự quy định, những người thừa kế theo pháp luật được xác định theo thứ tự sau:
1) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
2) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
3) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Pháp luật cũng quy định những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Với quy định nêu trên thì bạn không được hưởng thừa kế của người mà bạn đã từng chung sống vì hai người không phải là vợ chồng.
Con riêng của người mà bạn từng chung sống mà bạn đang nuôi dưỡng sẽ được hưởng di sản thừa kế cùng với những người ở hàng thừa kế thứ nhất (nếu có) như điều luật đã được viện dẫn ở trên. Trong trường hợp ở hàng thừa kế thứ nhất chỉ có mình đứa trẻ đó thì toàn bộ di sản thừa kế thuộc về đứa trẻ.
Để quyền và lợi ích của đứa trẻ được đảm bảo, pháp luật quy định phải có người giám hộ. Điều 61 Bộ luật Dân sự quy định về người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) như sau:
Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên mà không còn cả cha và mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu, được xác định như sau:
- Trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thỏa thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ;
- Trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ.
Như vậy, người giám hộ cho đứa trẻ trong trường hợp này chính là mẹ đẻ của cháu; trường hợp mẹ đẻ của cháu đã chết hoặc không đủ điều kiện giám hộ theo quy định của pháp luật thì người giám hộ sẽ được xác định theo điều luật nêu trên. Trong trường hợp xác định theo điều luật nêu trên mà vẫn không có người giám hộ thì UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ cho đứa trẻ.
Thư Viện Pháp Luật