Cha mẹ đẻ còn quyền không khi cho con làm con nuôi?
Khoản 4 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định về hệ quả của việc nuôi con nuôi như sau:
"4. Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi".
Như vậy, về nguyên tắc, kể từ thời điểm giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền và nghĩa vụ với con đẻ của mình. Do đó, việc cán bộ tư pháp trả lời với bạn về việc sau khi cho con đẻ của bạn làm con nuôi thì bạn không còn quyền và nghĩa vụ gì với con là hoàn toàn chính xác theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong chính khoản 4 Điều 24 nêu trên, pháp luật cho phép các bên thỏa thuận với nhau thể hiện ở chỗ "trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác...". Điều đó có nghĩa là pháp luật cho phép cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi được thỏa thuận với nhau về việc, sau khi giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ được giữ lại một số hoặc toàn bộ quyền và nghĩa vụ đối với con của mình.
Về phía bạn, bạn có nguyện vọng là việc cho con bạn làm con nuôi là để cả hai bên cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cho bé, nên bạn hoàn toàn có thể thỏa thuận với bố mẹ nuôi của bé về việc mẹ đẻ vẫn có toàn bộ quyền và nghĩa vụ đối với con sau khi giao nhận con nuôi. Văn bản thỏa thuận này cần phải có chữ ký của cả hai bên, đồng thời nên được công chứng hoặc chứng thực.
Văn bản thỏa thuận giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi về việc cha mẹ đẻ vẫn còn toàn bộ quyền và nghĩa vụ đối với con được pháp luật thừa nhận và hoàn toàn tôn trọng. Nội dung thể hiện trong khoản 4 điều 24 nêu trên pháp luật bao giờ cũng đặt sự thỏa thuận giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi lên hàng đầu, nếu như không có thỏa thuận gì thì mới áp dụng nguyên tắc sau khi giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền và nghĩa vụ đối với con.
Thư Viện Pháp Luật