Trong các hợp đồng kinh tế hợp tác kinh doanh, cung cấp dịch vụ, hợp đồng lao động, có nhất thiết phải đứng tên người có tên trong giấy phép đăng ký kinh doanh hay không? - Thực tế trong doanh nghiệp cháu có một hiện tượng như sau: + Tổng giám đốc, là người Việt Nam, đứng tên trong giấy đăng ký kinh doanh + Giám đốc điều hành là người nước ngoài, không đứng tên trong giấy đăng ký kinh doanh. Các hợp đồng kinh tế nói trên đứng tên Giám đốc điều hành (Là người nước ngoài) lại tạo ra hiệu quả tốt hơn, thỏa hiệp thuận lợi hơn. Do vậy doanh nghiệp cháu thường xuyên ký hợp đồng giao dịch đứng tên Giám đốc điều hành. Xin hỏi luật sư những hợp đồng này có tính pháp lý hay không? Nếu xẩy ra các sự kiện tranh chấp cần đến tòa án giải quyết thì các hợp đồng này có sử dụng làm căn cứ pháp lý được không? Thẩm quyền quyết định hay được phép ký tên của hai vị giám đốc nói trên như thế nào ạ?
Về nguyên tắc các giao dịch giữa tổ chức với tổ chức hoặc tổ chức với cá nhân thì người đại diện theo pháp luật của tổ chức đó thường là người ký các hợp đồng thương mại. Tuy nhiên trên thực tế để tạo điều kiện điều hành và hoạt động của doanh nghiệp được thuận lợi hoặc những lúc người đại diện theo pháp luật không thể ký hợp đồng vì các lý do khác nhau thì người đại diện có thể ủy quyền cho người khác tại doanh nghiệp của mình thực hiện việc ký kết các hợp đồng, giao dịch đó.
Trường hợp như vậy thì cá nhân được ủy quyền sẽ nhân danh doanh nghiệp để ký kết các giao dịch.
Nếu việc ủy quyền là hợp pháp thì các giao dịch đó sẽ là hợp pháp và khi đó quyền và nghĩa vụ của các bên vẫn phải được tôn trọng, thực hiện theo hợp đồng.