Xác định cha, mẹ trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản
Theo khoản 1 Điều 93 Luật hôn nhân và gia đình quy định về việc xác định cha, mẹ trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản: “ Trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo quy định tại Điều 88 của Luật hôn nhân và gia đình.
Theo Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình quy định về việc xác định cha, mẹ:
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Như vậy, căn cứ khoản 1 Điều 88 và khoản 1 Điều 93 Luật hôn nhân và gia đình thì con do bạn mang thai trong thời kỳ hôn nhân mà do sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cụ thể là phương pháp thụ thai nhân tạo được coi là con chung của vợ, chồng. Chồng bạn đương nhiên là cha của đứa trẻ.
Theo quy đinh tại khoản 3 Điều 93 Luật hôn nhân và gia đình: “ Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra”.
Theo quy định trên thì người đã cho bạn tinh trùng để bạn thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha con. Do đó, anh ta không có quyền đòi làm cha của đứa trẻ của vợ chồng bạn đã sinh ra.
Thư Viện Pháp Luật