Bác ruột làm giám hộ cho cháu phải có những điều kiện gì?
Về điều kiện của cá nhân làm người giám hộ, Điều 60 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định như sau:
“Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:
1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
2. Có tư cách đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác;
3. Có điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện việc giám hộ.”
Về thẩm quyền đăng ký giám hộ được quy định tại Điều 19 Luật Hộ tịch: “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ hoặc người giám hộ thực hiện đăng ký giám hộ.”
Như vậy, theo quy định này thì bác ruột của cháu C có thể lựa chọn cơ quan đăng ký giám hộ là UBND cấp xã nơi mình cư trú hoặc UBND cấp xã nơi cư trú của cháu C (trong trường hợp hai bác cháu không cùng nơi cư trú ).
Về thủ tục đăng ký giám hộ cử được quy định tại Điều 20 Luật Hộ tịch như sau:
“1. Người yêu cầu đăng ký giám hộ nộp tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu quy định và văn bản cử người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch và cùng người đi đăng ký giám hộ ký vào Sổ hộ tịch, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.”
Như vậy, theo quy định này thì bác ruột cháu C khi đăng ký giám hộ phải nộp 02 loại giấy tờ sau:
1. Tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu quy định;
2. Văn bản cử người giám hộ, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ (theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Bộ luật dân sự 2005).
Thư Viện Pháp Luật