Có được thay đổi họ cho con từ họ của bố sang mang họ theo chữ đệm của cha theo tập quán của địa phương không?
Khoản 1 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Cá nhân có quyền có họ, tên. Họ tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó”.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch thì “Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luậtdân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán”.
Quy định này có nghĩa trong trường hợp cha mẹ thỏa thuận về việc lấy họ của cha hoặc lấy họ của mẹ để làm họ của con thì đứa trẻ sẽ được khai sinh theo sự thỏa thuận đó.
Trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận về việc lựa chọn cho đứa trẻ mang họ cha hay mang họ mẹ thì sẽ áp dụng theo tập quán nơi đứa trẻ được sinh ra. Nếu tập quán ở đó là họ của con được đặt theo họ của cha thì đứa trẻ sẽ mang họ của cha. Ngược lại, nếu tập quán nơi đó là họ của con được đặt theo họ của mẹ thì đứa trẻ sẽ mang họ mẹ.
Về nguyên tắc, dù theo tập quán hay theo sự thỏa thuận, lựa chọn của cha, mẹ thì khi khai sinh, đứa trẻ cũng chỉ có thể mang họ của cha hoặc của mẹ chứ không thể mang họ khác được.
Như vậy, theo những quy định viện dẫn trên và theo các thông tin, dự kiện đưa ra thì “Vương” là họ, còn “Tiến” không phải là họ mà chỉ là chữ đệm (đồng thời cũng là tên chi, nhánh của dòng họ Vương). Nếu cha mang họ Vương, mẹ không mang họ Tiến mà sử dụng chữ đệm của cha đặt thành họ của con là “Tiến Thị Thu Thảo” là không phù hợp với quy định của pháp luật, không được giải quyết thay đổi họ cho con anh Hiếu và chị Hạnh.
Thư Viện Pháp Luật