Đăng ký độc quyền tên và logo cửa hàng kinh doanh ?
Thứ nhất, tên cửa hàng mà bạn muốn được sở hữu độc quyền được coi là “tên thương mại”- đối tượng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Quyền sở hữu đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó mà không cần tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ với cơ quan nhà nước với điều kiện tên thương mại phải có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thẻ kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Như vậy, để có quyền sở hữu độc quyền đối với tên cửa hàng trên, ngăn chặn hành vi xâm phạm của các chủ thể khác, bạn cần phải đảm bảo tên cửa hàng không được trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại của người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh; nhãn hiệu thuộc quyền của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại được sử dụng; không thuộc các trường hợp không được bảo hộ là tên thương mại (điều 77 Luật sở hữu trí tuệ).
- Thứ hai, tên ABC + Logo gắn với các sản phẩm của bạn (ABC đồng hồ, ABC watch, ABC shoes, ABC giầy dép, ABC áo quần, ABC clothes...) được coi là nhãn hiệu cho các sản phẩm/dịch vụ.
Để bảo hộ nhãn hiệu và logo này, bạn cần thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục sở hữu trí tuệ.
Nếu bạn có nhu cầu được bảo hộ nhãn hiệu “ABC” với tất cả các sản phẩm/dịch vụ trên thì trong mục DANH MỤC VÀ PHÂN NHÓM HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ MANG NHÃN HIỆU của tờ khai đăng ký bảo hộ nhãn hiệu bạn phải liệt kê và phân nhóm tất cả các hàng hóa dịch vụ mang nhãn hiệu theo Thoả ước Ni-xơ.
Tên “ABC” sẽ được sử dụng chung cho các sản phẩm/dịch vụ trên mà không phải thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu cho từng sản phẩm/dịch vụ.
Cách tính phí khi tiến hành nộp đơn như sau:
Phí đăng ký cho 1 nhóm sản phẩm/dịch vụ (gồm 6 sản phẩm/ dịch vụ): 660.000 đồng
Với mỗi sản phẩm trong một nhóm từ 7 sản phẩm trở lên: cộng thêm 114.000 đồng
Với mỗi nhóm tăng thêm: cộng thêm 540.000 đồng
Thứ ba, hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể về bảo hộ đối với slogan, do vậy còn có nhiều ý kiến khác nhau về việc bảo hộ hay không bảo hộ bản quyền slogan. Tuy nhiên với tính chất như là thương hiệu của chủ sở hữu, các Slogan hiện nay thường được tiến hành bảo hộ như một nhãn hiệu. Việc đăng ký bảo hộ Slogan, quyền của chủ sở hữu đối với Slogan cũng được áp dụng như đối với nhãn hiệu theo các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ
Bạn có thể được bảo hộ cả nhãn hiệu + logo + slogan thông qua việc thực hiện một lần đăng ký nhãn hiệu nếu như mẫu nhãn hiệu mà bạn thiết kế có bao gồm phần hình – phần chữ trong đó thể hiện đầy đủ các thành phần trên. Tuy nhiên để được cơ quan nhà nước cấp văn bằng bảo hộ, những đối tượng trên phải đảm bảo được các điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu theo quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật