Có cần công chứng, chứng thực hợp đồng thuê nhà ở ?
Theo tại Điều 492, Bộ Luật dân sự năm 2005 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/6/2005)“Hợp đồng thuê nhà ở phải được lập thành văn bản, nếu thời hạn thuê từ 6 tháng trở lên thì phải có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”
Theo khoản 2 Điều 122, Luật nhà ở năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2015) quy định về công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở: “Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu”
Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 83, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008:
“2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau.”
Luật Nhà ở năm 2014 và Bộ luật dân sự đều do Quốc hội ban hành. Luật Nhà ở năm 2014 được ban hành và có hiệu lực sau Bộ luật dân sự nên trong trường hợp này áp dụng quy định của Luật nhà ở năm 2014. Vì vậy, theo quy định trên của pháp luật, bạn không phải thực hiện việc công chứng hay chứng thực hợp đồng thuê nhà ở trừ trường hợp bạn và chủ nhà có nhu cầu.
Thư Viện Pháp Luật