Trách nhiệm bồi thường của pháp nhân do nhân viên gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao?
Bạn không nói rõ tình tiết cụ thể của sự việc nên chúng tôi chỉ có thể tư vấn về nguyên tắc như sau:
1. Theo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, việc bảo vệ Công ty đánh anh trai bạn đến mức phải nằm viện cấp cứu và điều trị đã đáp ứng đủ 4 yếu tố làm phát sinh trách nhiệm bồi thường. Cụ thể:
- Có thiệt hại xảy ra: Sức khỏe, tinh thần của anh trai bạn bị xâm phạm;
- Có hành vi trái pháp luật: Bảo vệ công ty đánh anh trai bạn;
- Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại: Bảo vệ công ty đánh anh trai bạn đến mức phải nằm viện cấp cứu và điều trị;
- Có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại: Dù cố ý hay vô ý, bảo vệ công ty đã có lỗi khi đánh anh trai bạn.
Chính vì vậy, pháp luật dân sự quy định anh trai bạn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
2. Nhân viên bảo vệ của Công ty gây thiệt hại cho anh trai bạn khi đang thực hiện công việc do Công ty giao thì theo Điều 618 Bộ luật dân sự năm 2005: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”, Công ty đó phải bồi thường thiệt hại cho anh trai bạn. Sau khi bồi thường, Công ty có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Tại Điều 617 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường. Vì anh trai bạn cũng có hành vi chửi bới (xâm phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân hay Công ty nơi anh trai bạn làm việc). Cho nên, mức độ bồi thường cho anh trai bạn sẽ còn căn cứ vào lỗi của anh trai bạn gây ra.
Thư Viện Pháp Luật