Xin chào luật sư Phạm Văn Phất! Tôi có 1 vấn đề muốn được luật sư giải đáp Bố mẹ tôi ở Bỉm Sơn Thanh Hóa đến khai hoang mảnh đất khoảng 5ha thuộc đội 5 nông trường Hà Trung từ năm 1993 và được giám đốc nông trường cấp giấy tờ hợp pháp với thời hạn sử dụng là 50 năm. Vì đất nhà tôi là đất khai hoang và trong hồ sơ có ghi là "đất không có khả năng canh tác" do giám đốc xác nhận. Thời gian đầu khai hoang phục hóa thì rất vất vả và cũng chẳng thu hoạch được bao nhiêu. Nhưng những năm gần đây gia đình tôi có trồng cây dứa, tuy nhiên cũng có năm được năm mất mùa. Sau khi thu hoạch xong được khoảng 30 triệu đồng thì nông trường nói là nộp toàn bộ số tiền dứa bán đươc lại cho nông trường, sau đó trừ các khoản đi rồi trả lại cho gia đình tôi. Mỗi lần trừ như vậy cũng trên 10 triệu đồng mà lại chẳng có ghi chứng từ hóa đơn gì cả. Có năm họ thu xong và nói với bố tôi là "năm nay nhà anh sản lượng không đạt thì phải nộp thêm tiền phạt là 5 triệu đồng" tuy nhiên phạt như vậy cũng chẳng có hóa đơn gì mà cũng chẳng có biên bản phạt gì cả. Họ chỉ trả lại bao nhiêu thì mình nhận bấy nhiêu. Vừa rôi tôi có về thăm quê nghe thấy như vậy thì có đến làm việc với đội trưởng thì họ nói là tất cả những tiền thuế nhân dân nộp thì họ có sổ sách quản lí cả rồi. Tuy nhiên lại không thể đưa được hóa đơn cho tôi xem. Điều này thì không chỉ đối với gia đình tôi mà cả với toàn thể người dân của nông trường Hà Trung nữa. Qua đây tôi muốn hỏi luật sư mấy điều: 1- Đất nhà tôi thuộc diện khai hoang trồng rừng thì nộp thuế được tính dựa theo quy định nào của pháp luật. 2- Nông trường cứ bắt buộc nhà tôi phải trồng cây mía nhưng bố tôi lại muốn trồng cây tràm có được không. Tôi xin chân thành cảm ơn luật sư!
Theo những thông tin bạn nêu thì có thể hiểu rằng diện tích đất mà bạn cho rằng bố mẹ bạn "khai hoang" thực chất nằm trong diện tích đất nhà nước đã giao cho Nông trường Hà Trung sử dụng. Do nông trường không phải là một cơ quan quản lý nhà nước về đất đai nên nông trường không có thẩm quyền giao đất hay xác nhận việc sử dụng đất. Tuy nhiên nông trường có quyền giao khoán (theo hợp đồng) cho các hộ nông trường viên sử dụng một diện tích đất nhất định và trong nhiều trường hợp các hộ nông trường viên đó được lập sổ bộ thuế (trực tiếp nộp thuế sử dụng đất cho nhà nước), ngoài các hộ đó ra, nông trường phải nộp thuế sử dụng đất cho nhà nước.
Về các câu hỏi bạn nêu, cần phải xác định quan hệ giữa gia đình bạn và nông trường dựa trên cơ sở pháp lý nào, là người lao động hay người nhận khoán. Nếu bố mẹ bạn là người lao động của nông trường thì phải trồng loại cây mà nông trường chỉ đạo, còn nếu là người nhận khoán thì phải căn cứ vào hợp đồng nhận khoán để xác định bộ mẹ bạn có quyền chủ động chọn loại cây trồng hay không.
Việc tính thuế sử dụng đất căn cứ vào loại đất (mục đích sử dụng), diện tích đất sử dụng và thuế suất cho loại đất đó, ngoài ra còn có chính sách miễn giảm thuế theo từng thời kỳ.