Thủ tục để được cấp sổ đỏ

Cho tôi hỏi: Năm 1989 gia đình tôi được xã cấp cho một lô đất phục hóa vùng đồi đến năm 1993 UBND xã thu 100 nghìn đồng gọi là lệ phí đất ở đến năm 2003 đoàn quy hoạch đo quy hoạch khu đất của tôi và đã vẽ sơ đồ tĩnh mã thuế đất ở và gia đình tôi đã làm nhà ở trên khu đất đó từ ngày được giao đến bây giờ.Kể từ 2003 đến nay hàng năm gia đình tôi phải nộp thuế đất ở.   Theo hướng dẫn của UBND xã gia đình tôi phải làm đơn tự nguyên trả toàn bộ diện tích đất được giao phục hóa nói trên và phải làm đơn xin được cấp quyền sử dụng đất và một đơn tự nguyện nộp lệ phí 20 triệu đồng để được cấp một suất đất ở trên tổng diện tích lô đất nói trên .Như vậy gia đình tôi phải làm gì có được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không và nếu được cấp thì gia đình tôi phải làm những thủ tục gì và phải nộp những khoản phí  gì

1. Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu:

Trường hợp 1: nếu gia đình bạn sử dụng ổn định đất và lưu giữ được các loại giấy tờ như đã trình bày như: (i) giấy tờ giao đất; (ii) giấy tờ thu tiền khi nhà nước giao đất; (iii) bản đồ hiện trạng/quy hoạch thửa đất và các biên lai thu thuế đất ở thì được coi là có giấy tờ về quyền sử dụng đất, khi nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sẽ không phải nộp tiền sử dụng đất (Điều 100 Luật Đất đai).

Trường hợp 2: trường hợp gia đình bạn không lưu giữ được giấy tờ về đất nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ 1989 đến nay và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Điều 101 Luật Đất đai).

2. Về việc nộp tiền sử dụng đất khi nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất:

Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai quy định:

Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993; nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp sử dụng đất; việc sử dụng đất tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn hoặc quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (sau đây gọi chung là quy hoạch) hoặc không phù hợp với quy hoạch nhưng đã sử dụng đất từ trước thời điểm phê duyệt quy hoạch hoặc sử dụng đất tại nơi chưa có quy hoạch thì được công nhận quyền sử dụng đất như sau:
a) Đối với thửa đất có nhà ở mà diện tích thửa đất nhỏ hơn hoặc bằng hạn mức công nhận đất ở theo quy định thì toàn bộ diện tích thửa đất được công nhận là đất ở.
Trường hợp thửa đất có nhà ở mà diện tích thửa đất lớn hơn hạn mức công nhận đất ở thì diện tích đất ở được công nhận bằng hạn mức công nhận đất ở; trường hợp diện tích đất xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống lớn hơn hạn mức công nhận đất ở thì công nhận diện tích đất ở theo diện tích thực tế đã xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống đó;
b) Đối với thửa đất có công trình xây dựng để sản xuất, thương mại, dịch vụ phi nông nghiệp thì công nhận đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, đất thương mại, dịch vụ theo diện tích thực tế đã xây dựng công trình đó; hình thức sử dụng đất được công nhận như hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài;
c) Đối với thửa đất có cả nhà ở và công trình xây dựng để sản xuất, thương mại, dịch vụ phi nông nghiệp mà diện tích thửa đất lớn hơn hạn mức công nhận đất ở thì diện tích đất ở được công nhận theo như quy định tại Điểm a; phần diện tích còn lại đã xây dựng công trình sản xuất, thương mại, dịch vụ phi nông nghiệp thì được công nhận theo quy định tại Điểm b;
d) Đối với phần diện tích đất còn lại sau khi đã được xác định theo quy định tại các Điểm a, b và c thì được xác định là đất nông nghiệp; nếu do gia đình trực tiếp sản xuất thì được nhà nước công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong phạm vi công nhận đất nông nghiệp, phần vượt quá chuyển sang đất thuê của nhà nước. Nếu gia đình không thực tế sử dụng đất thì nhà nước công nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo hình thức cho thuê đất.

Như vậy, trong các trường hợp như phân tích trên đây, không có trường hợp nào phải thực hiện theo như yêu cầu của chính quyền mà bạn đã trình bày. Bạn đối chiếu với quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình nhé. Đối với yêu cầu của UBND xã, bạn có thể đề nghị họ cung cấp văn bản làm căn cứ cho các yêu cầu của họ và khiếu nại về toàn bộ nội dung vụ việc lên Chủ tịch UBND cấp xã hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện để được giải quyết.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào