Bắt buộc định giá tài sản khi có tranh chấp?
Theo qui định tại điều 92 - Bộ luật Tố tụng dân sự, thì tòa án chỉ định giá tài sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự;
b) Các bên thỏa thuận theo mức giá thấp nhằm mục đích trốn thuế hoặc giảm mức đóng án phí.
Khi tiến hành định giá về nhà, đất, tòa án phải ra quyết định thành lập Hội đồng định giá. Hội đồng định giá gồm có Chủ tịch hội đồng và các thành viên là đại diện cơ quan tài chính và các cơ quan quản lý nhà, đất, cơ quan xây dựng ở địa phương tham gia Hội đồng, đồng thời mời đại diện ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản định giá chứng kiến.
Tuy luật không cấm thẩm phán, cán bộ tòa án tham gia Hội đồng định giá, nhưng việc định giá tài sản đòi hỏi những kiến thức, kinh nghiệm về giá đối với tài sản cần định giá, tòa án là cơ quan xét xử nên cán bộ tòa án, thẩm phán thường không tham gia vào Hội đồng định giá. Khi định giá tài sản, các đương sự phải được thông báo, họ có quyền tham dự và phát biểu ý kiến về việc định giá.
Quyền quyết định về giá đối với tài sản định giá thuộc về Hội đồng định giá. Việc định giá phải được lập thành văn bản, ghi rõ ý kiến của các thành viên, của đương sự nếu họ tham dự. Quyết định của Hội đồng định giá phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.
Các thành viên Hội đồng định giá, đương sự, người chứng kiến ký tên vào biên bản. Nếu có người không chịu ký tên cần hỏi rõ lý do và ghi rõ vào biên bản vì sao họ không ký tên. Sau khi Hội đồng định giá đã ký tên vào biên bản, nếu các đương sự có ý kiến gì khác thì ghi ý kiến của họ vào bên dưới chữ ký của Hội đồng.
Dù đương sự có ý kiến gì khác, nhưng Hội đồng định giá đã làm việc khách quan theo đúng quy định của pháp luật thì quyết định của Hội đồng là quyết định có giá trị pháp luật. Do đó không cần đặt vấn đề về việc liệu có công tâm hay không trong việc định giá tài sản đang có tranh chấp
Thư Viện Pháp Luật