Lừa tiền xin việc làm có đòi được không?

Chào Luật sư. Rất mong được luật sư giúp đỡ và hướng dẫn trường hợp của em. Em quê ở Cà Mau, học ở Tp.HCM. Sau khi tốt nghiệp với chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng, về Cà Mau xin việc cũng gặp nhiều khó khăn. Được một người bạn thân giới thiệu một anh họ quen biết rộng có thể xin cho em vào ngân hàng Agribank tỉnh Cà Mau, nhưng phải tốn chi phí xin việc 120 triệu VNĐ. Vì cần một công việc ổn định ở quê nhà và phát triển bản thân "an cư lạc nghiệp" nên em đã chấp nhận với điều kiện này. Mặc dù, em đang tạo cho họ cơ hội trái pháp luật, nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn là vấn đề khó khăn trong xin việc hiện nay.  Diễn biến quá trình: Lần đầu: em đưa 50 triệu VNĐ, có làm giấy viết tay ghi nhận: bên A nhận tiền bên B vào ngày tháng năm/ Lần hai: em đưa thêm 30 triệu VNĐ, có làm giấy ghi nhận đánh máy vi tính, số tiền trong ghi nhận lần này là tổng hợp hết 80 triệu VNĐ.  Giấy ghi nhận em làm cụ thể tên người nhận, số CMND/ngày cấp, nơi cấp và thời gian áp dụng cụ thể 3 tháng, nếu không thực hiện thì bên nhận chịu trách nhiệm trước pháp lực về hành vi của mình. Nay đã quá hạn mà chưa có kết quả gì, em kêu anh hoàn tiền trả lại thì anh ấy tiếp tục hứa hẹn hết lần này đến lần khác. Hành vi lừa đảo tài sản của anh ấy ngày càng biểu hiện nhiều hơn. Nên em quyết định nhờ pháp luật can thiệp giúp em. Vì gia đình em không khá giả nên số tiền 80 triệu đó rất lớn đối với em. Từ trước đến giờ em chưa va chạm gì đến pháp luật nên không biêt đơn kiện viết theo mẫu nào? khởi kiện ở đâu? Chi phí ra sao? Chính vì vậy, nay em nhờ các luật sư tư vấn hướng giải quyết trường hợp của em như thế nào? Rất mong sự phản hồi của quý luật sư Chân thành cảm ơn và trân trọng kính chào!

Do nhận thức đơn giản và nhẹ dạ cả tin của bạn nên đã tạo cơ hội cho người đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bạn nên trình bào với cơ quan công an và tố cáo hành vi phạm tội của người đó để xử lý theo quy định của pháp luật. Bạn tham khảo điều 139 BLHS:

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào