Khi nào cần giám định gen?

Hỏi: Con trai tôi chết trong một vụ tai nạn giao thông, trước khi chết con tôi đã đưa bạn gái của cháu về ra mắt gia đình và trước mặt hai bên nhà trai nhà gái hai đứa công nhận sắp có con và muốn tổ chức lễ cưới. Hai gia đình đã làm lễ ăn hỏi cho các cháu, nhưng chưa kịp đăng ký kết hôn thì con tôi đã ra đi, sau đó chúng tôi đã công nhận con dâu và đón cháu về. 6 tháng sau cháu sinh con và đã được UBND xã làm giấy khai sinh và con trai tôi đứng tên bố của cháu bé trong giấy khai sinh. Nay khi yêu cầu bồi thường thiệt hại tại tòa án thì thẩm phán thụ lý vụ án yêu cầu tôi phải làm giám định gen của cháu để xác định cha cho con. Thẩm phán yêu cầu tôi như vậy có đúng không? N.V.Q (Thôn Yên Phó, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội)

 

Căn cứ vào điều 90 của Bộ luật Tố tụng dân sự về trưng cầu giám định thì việc trưng cầu giám định chỉ xảy ra khi:

1. Theo sự thỏa thuận lựa chọn của các bên đương sự hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự, thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định.

2. Người giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định phải tiến hành giám định theo quy định của pháp luật.

3. Trong trường hợp xét thấy kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng hoặc có vi phạm pháp luật thì theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự, thẩm phán ra quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại.

Theo căn cứ trên thì gia đình ông là nguyên đơn trong vụ kiện đòi bồi thường không yêu cầu giám định gen thì việc thẩm phán yêu cầu phải đi giám định gen là vi phạm pháp luật tố tụng dân sự.

Mặt khác, theo quy định tại điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình thì việc xác định cha, mẹ cho con được quy định như sau: Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con của người thừa nhận.

Theo đó, cha mẹ của cháu bé đã xác nhận trước mặt hai họ, thì cháu bé đương nhiên là con của con trai ông và ông không phải làm giám định gen theo yêu cầu của thẩm phán. Ông có thể làm đơn khiếu nại đến chánh án TAND nơi thụ lý vụ án của gia đình ông để được giải quyết.

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào