Làm sao để nhận lại phương tiện gây án
Theo quy định tại Điều 74 BLTTHS năm 2003 thì : Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội. Theo thông tin mà bạn cung cấp thì chiếc xe trên được dùng làm phương tiện phạm tội trong vụ cướp tài sản. Vì vậy, chiếc xe chính là vật chứng trong vụ án.
Theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 76 BLTTHS năm 2003 thì vật chứng được xử lý như sau: “Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước.” Trong trường hợp này, phải xác định chiếc xe của gia đình bạn do ai đứng tên trong giấy tờ đăng ký xe. Nếu không phải do anh trai bạn đứng tên và chứng minh được anh bạn đã chiếm đoạt hoặc mượn xe để làm phương tiện phạm tội mà gia đình bạn không biết thì chiếc xe sẽ được trả lại cho gia đình bạn. Còn nếu chiếc xe do anh trai bạn sở hữu thì căn cứ vào điểm a khoản 2 điều 76 BLTTHS năm 2003 chiếc xe sẽ bị tịch thu, sung công quỹ Nhà nước.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 76 BLTTHS năm 3003 thì việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Toà án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc thi hành các quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản. Như vậy, tùy vào từng trường hợp cụ thể nêu trên mà cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý vật chứng có thể là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc Hội đồng xét xử.
Thư Viện Pháp Luật