Phải làm thế nào khi bị ép ghi giấy nhận nợ?
Căn cứ điều 135 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội cưỡng đoạt tài sản như sau:
1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo thông tin bạn cung cấp thì gia đình “người bồ” kia đã có hành vi là dùng vũ lực đánh đập và ép ghi giấy nhận nợ cho chồng của chị gái bạn với số tiền là 800 triệu đồng và hạn trong 10 ngày phải trả, nếu không trả thì phải sang tên nhà cho họ. Đối chiếu với quy định trên thì hành vi của gia đình “người bồ” kia đã có dấu hiệu tội phạm và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại điều luật nói trên. Chồng chị gái bạn có thể làm đơn tố cáo đến cơ quan công an để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, trong trường hợp việc đánh đập gây thương tích cho người chồng của chị gái bạn của gia đình họ cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 BLHS.
Thư Viện Pháp Luật