Về thừa kế tài sản theo di chúc

Chào các luật sư ! Xin các luật sư tư vấn giúp tôi vấn đề tôi đang phải đối mặt.            Tôi là con trai út trong gia đình gồm 8 anh chị em: 2 người con gái, và 6 người con trai. Bố tôi trước khi mất để lại di chúc rằng 1000m2 đất của ông, 200m2 sẽ làm nhà thờ, phần còn lại ông giao lại cho tôi và tôi là trưởng ban lễ tang trong tang lễ của ông vì lúc ông đau bệnh chỉ có một mình tôi sống cùng với ông và chăm sóc nuôi bệnh, còn các anh chị em còn lại thì có nhà riêng, không chăm sóc ông cụ. Trước khi lập di chúc thì các anh chị tôi cũng được bố tôi chia mỗi người một số đất nhất định để xây nhà hoặc làm ăn. Riêng 1000m2 ông cụ đang ở thì ông cụ viết di chúc giao lại cho tôi và làm nhà thờ. Ông cụ mất năm 2005. Tuy nhiên ông cụ là người không biết chữ, nên khi lập di chúc (lúc ông còn minh mẫn) ông cụ nói ông anh thứ 3 của tôi viết cho ông cụ, sau đó cụ có điểm chỉ chứng nhận. Bản di chúc được đem lên ủy ban nhân dân xã để đóng dấu xác nhận.. khi Cụ mất thì di chúc cho tôi giữ, và đến bây giờ tôi vẫn giữ. Ban đầu 1000m2 đất đó nằm ở vị thế "khỉ ho cò gáy" nên chẳng ai thèm ngó ngàng gì tới.. Đùng một phát, có dự án mở đường, thế là 1000m2 đó tương lai sẽ ra mặt tiền, hơn nữa dự kiến sẽ xây nhà thờ trên nền 200m2 ông cụ chia ấy. Thế là 7 anh chị em còn lại đòi tôi phải cắt đất của tôi đưa qua để xây nhà thờ.. tất nhiên tôi không chịu. Không hiểu sao, mấy tháng sau, 7 anh chị em tôi kiện tôi ra tòa vì họ nói rằng bản di chúc tôi cầm trên tay là bản di chúc không hợp lệ: rằng người viết( tức anh thứ 3 của tôi ) không được là người trong hàng ngũ nhận thừa kế , và ko có người làm chứng. Tòa án cũng kêu 8 anh em tôi hòa giải 3 lần nhưng không được. Tôi thật sự rất thất vọng, ban đầu tôi muốn nhường, ko muốn anh em tương tàn nên cũng nhượng bộ, nhưng càng nhượng bộ họ càng lấn tới nên tôi phải ra tòa.          Bây giờ tôi không biết phải làm thế nào để bảo vệ tờ di chúc bố tôi để lại, chí ít ra cũng là nguyện vọng của bố tôi. Vì gia đình tôi là nông dân nên thời điểm lập di chúc ko được tiếp xúc với luật pháp nhiều, ông cụ chỉ nghĩ rằng viết ra nguyện vọng rồi điểm chỉ vào đó thế là xong. Tôi muốn hỏi các luật sư rằng tôi có khả năng thằng trong vụ kiện sắp tới không? Mong các luật sư tư vấn cho tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn

Theo thư trình bày của bạn thì việc cha bạn đã lập di chúc và di chúc đó đã được chứng thực tại UBND, đây có thể xem là điểm mấu chốt để xác định di chúc có hợp pháp hay không? Theo quy định của Bộ luật dân sự: Di chúc được coi là hợp pháp trong các trường hợp sau:

1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực. 

Nếu Di chúc của cha bạn không rơi vào một trong các trường hợp trên thì được coi là di chúc không hợp pháp và phần di sản này sẽ được chia theo pháp luật cho những người trong hàng thừa kế.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào