Chủ thể của quan hệ pháp luật là gì?
Chủ thể của quan hệ pháp luật là gì?
Chủ thể của quan hệ pháp luật là cá nhân hay tổ chức có năng lực pháp luật và năng lực hành vi pháp luật, tham gia vào các quan hệ pháp luật, có quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định.
Nói một cách chung nhất, cá nhân, tổ chức có thể là chủ thể quan hệ pháp luật, nhưng đi vào cụ thể thì có sự phân biệt giữa cá nhân và tổ chức với tư cách là chủ thể của quan hệ pháp luật.
Chủ thể của quan hệ pháp luật là gì? (Hình từ Internet)
*Trong quan hệ pháp luật dân sự
Năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự của cá nhân được quy định cụ thể tại Điều 16, Điều 19 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Điều 16. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân
1. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự.
2. Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau.
3. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết.
Điều 19. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
Đối với tổ chức, một tổ chức có năng lực pháp luật và năng lực hành vi phải là pháp nhân và pháp nhân phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Pháp nhân
1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
2. Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân quy định cụ thể tại Điều 86 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân
1. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký.
3. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân chấm dứt kể từ thời điểm chấm dứt pháp nhân.
*Trong quan hệ pháp luật hành chính
- Chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính chính là các bên tham gia quan hệ này có năng lực chủ thể với các quyền và nghĩa vụ tương ứng đối với nhau theo quy định của pháp luật hành chính.
- Chủ thể của quan hệ này có thể bao gồm:
+ Cán bộ nhà nước,
+ Đơn vị kinh tế,
+ Cơ quan nhà nước,
+ Công dân Việt Nam,
+ Tổ chức xã hội,
+ Người nước ngoài,
+ Người không quốc tịch.
- Trong quan hệ pháp luật hành chính có một bên chủ thể luôn hiện diện trong mọi quan hệ này chính đó là chủ thể quản lý hành chính nhà nước.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật