Hỏi về việc giải quyết lương sau khi thôi việc
Điều 96 BLLĐ 2012 quy định: Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.
Điều 101 BLLĐ cũng quy định:
1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật này.
2. Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.
3. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập”.
Khoản 4 Điều 7 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22/12/2006 hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 14 Luật BHXH trong việc gây phiền hà, trở ngại, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động bao gồm:
- Cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm việc đóng, hưởng các chế độ BHXH của người lao động;
- Không cấp sổ BHXH hoặc không trả sổ BHXH cho người lao động theo quy định.
Như vậy, về nguyên tắc, công ty không được phép giữ lương của nhân viên, phải thanh toán đầy đủ và đúng hạn, nếu có khấu trừ cũng phải thông báo.
Nếu đến hạn mà công ty không thanh toán, bạn hãy trực tiếp yêu cầu công ty trả đủ tiền lương và trả sổ BHXH theo đúng quy định pháp luật. Nếu không được, bạn có thể yêu cầu Cơ quan BHXH giải quyết quyền lợi cho mình.
Thư Viện Pháp Luật