Tranh chấp với vợ mảnh đất mà mẹ đã mua cho mình

Năm 1994 mẹ tôi bán nhà ở ngoài quê cho tôi mua 1 miếng đất ở tp Vũng tàu, năm 1995 tôi làm nhà trên mảnh đất đó, năm 1999 tôi lấy vợ và có đưa tên vợ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng với tôi, năm 2001 chúng tôi ly hôn (có 1 con gái chung). Vậy cho tôi hỏi luật sư nếu xảy ra tranh chấp vợ tôi có được một nửa miếng đất mà mẹ tôi đã bỏ tiền mua cho tôi không? Việc định giá đất theo khung giá đất của nhà nước hay theo giá thị trường? Xin cám ơn!

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 về tài sản của vợ chồng, với nguyên tắc tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân mặc nhiên được coi là tài sản chung của vợ chồng trừ các trường hợp tài sản này được tặng cho, thừa kế riêng và những tài sản có từ trước thời kỳ hôn nhân.

Luật cũng quy định trường hợp vợ hoặc chồng có tài sản riêng trước thời kỳ hôn nhân nhưng hai vợ chồng có thỏa thuận về việc nhập tài sản đó vào khối tài sản chung, khi đó tài sản riêng sẽ trở thành tài sản chung và khi ly hôn vẫn sẽ giải quyết theo nguyên tắc chung là vợ được 1/2 khối tài sản, chồng được 1/2 khối tài sản đó.

Với thông tin anh nêu thì hai vợ chồng anh đã có thỏa thuận và thống nhất đưa thửa đất và nhà trên đất vào khối tài sản chung nên vợ anh vẫn có quyền lợi đối với khối tài sản này. Anh đã ly hôn từ năm 2001 nhưng có lẽ chưa giải quyết vấn đề tài sản nên nếu có tranh chấp và không thỏa thuận giải quyết được và buộc phải giải quyết tại tòa án có thẩm quyền khi đó sẽ được coi là "tranh chấp tài sản sau khi ly hôn".

Về việc định giá tài sản, cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào khung bảng giá của địa phương nơi có thửa đất để giải quyết và khung bảng giá này là giá tại thời điểm giải quyết tranh chấp.

Anh có thể tham khảo quy định sau của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để nắm rõ hơn. Các quy định đó như sau:

Điều 27. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận.

Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất.

2. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.

Điều 28. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung

1. Vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chi dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện các nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình, việc dùng tài sản chung để đầu tư kinh doanh phải được vợ chồng bàn bạc, thoả thuận, trừ tài sản chung đã được chia để đầu tư kinh doanh riêng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này.

Điều 32. Tài sản riêng của vợ, chồng

1. Vợ, chồng có quyền có tài sản riêng.

Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật này; đồ dùng, tư trang cá nhân.

2. Vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung.

Điều 33. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng

1. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.

2. Vợ, chồng tự quản lý tài sản riêng; trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không uỷ quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó.

3. Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng cũng được sử dụng vào các nhu cầu thiết yếu của gia đình trong trường hợp tài sản chung không đủ để đáp ứng.

5. Trong trường hợp tài sản riêng của vợ hoặc chồng đã được đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải được sự thoả thuận của cả vợ chồng.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào