Thủ tướng là gì?
Căn cứ pháp lý: Hiến pháp 2013
Ở Việt Nam, Thủ tướng là người đứng đầu chính phủ, lãnh đạo, điều hành, quản lý và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ được Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội. Nhiệm kỳ của Thủ tướng Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, báo cáo công tác với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Thủ tướng Chính phủ ký các nghị quyết, nghị định của Chính phủ, ra các quyết định, chỉ thị và hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó đối với tất cả các ngành, các địa phương và cơ sở. Văn bản pháp quy do Thủ tướng Chính phủ ban hành có hiệu lực thi hành trong phạm vi cả nước. Thủ tướng được giao một số quyền hạn để xử lý các văn bản pháp quy của các cấp dưới ban hành trái với văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội; Thủ tướng xem xét, quyết định bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản của cấp bộ, cấp tỉnh trái hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; đình chỉ thi hành hoặc một phần toàn bộ nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trái hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ. Thủ tướng Chính phủ được giao các quyền hạn về tổ chức nhân sự như: đề nghị Quốc hội quyết định thành lập hoặc bãi bỏ các bộ, các cơ quan ngang bộ; đề nghị Quốc hội phê chuẩn phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quang ngang bộ; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các thứ trưởng và chức vụ tương đương; phê chuẩn kết quả bầu chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, v.v. Thủ tướng Chính phủ thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng mà Chính phủ phải giải quyết.
Thư Viện Pháp Luật