Các dấu hiệu cơ bản của tội tổ chức đua xe trái phép
Tội tổ chức đua xe trái phép có các dấu hiệu cơ bản sau đây:
Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.
Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp nào quy định tại điều luật.
Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm này vừa xâm phạm đến an toàn công cộng vừa xâm phạm đến trật tự công cộng.
Xâm phạm an toàn công cộng là gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của con người ở nơi công cộng, làm cho mọi người hoang mang lo sợ. Điều này thì ai cũng thấy, bất kể ở đâu khi đoàn đua xe đi qua ai cũng sợ hãi và không ít trường hợp do đua xe trái phép đã gây hậu quả chết người hoặc gây tổn hại đến sức khỏe con người.
Cùng với việc gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của con người thì hành vi tổ chức đua xe trái phép còn gây mất trật tự công cộng, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cộng đồng, gây náo động nơi công cộng, nhiều trường hợp làm tắc nghẽn giao thông nhiều giờ.
Đối tượng tác động của tội phạm này chính là người đua xe, người cổ vũ đua xe chứ không phải phương tiện dùng để đua là xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ. Đây là vấn đề về lý luận cũng có ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng con người không thể là đối tượng tác động của bất cứ tội phạm nào, nhưng cũng có ý kiến cho rằng con người cũng là một vật thể, đều trở thành đối tượng tác động của tội phạm mà người phạm tội thông qua đó xâm phạm đến khách thể mà luật hình sự bảo vệ.
Đối với tội tổ chức đua xe trái phép nếu người phạm tội không tác động đến những người đua xe, người cổ vũ đua xe thì cũng không xảy ra cuộc đua xe; không thể tổ chức đua xe mà lại không có những người đua xe để đua xe trái phép.
Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm
a) Hành vi khách quan
Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi tổ chức. Hành vi tổ chức hoàn toàn khác với khái niệm “phạm tội có tổ chức” là một hình thức đồng phạm của nhiều người cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Phạm tội có tổ chức là nói trên quy mô của một vụ án, còn tổ chức với ý nghĩa là hành vi khách quan là hành vi do một hoặc một số người thực hiện như: tổ chức làm một việc gì đó, tổ chức đi nghỉ mát, tổ chức một bữa tiệc liên hoan, tổ chức một đêm ca nhạc, tổ chức một trận bóng đá giao hữu…và tổ chức đua xe. Hành vi tổ chức đua xe trái phép, tùy thuộc vào tính chất, quy mô, mục đích mà người tổ chức có thể huy động lực lượng, phương tiện, tiền của để đạt mục đích đề ra.
Người phạm tội tổ chức đua xe trái phép, có thể thực hiện một trong các hành vi sau:
Khởi xướng ra việc đua xe; vạch kế hoạch đua xe; chỉ huy việc đua xe; cưỡng bức, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo, kích động người khác đua xe; quyên góp tiền, cung cấp tiền, tài sản cho người đua xe hoặc để làm giải thưởng cho người đua xe; cung cấp xe cho người đua xe; tổ chức canh gác, bảo vệ hoặc chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ; huy động, lôi kéo, mua chuộc người khác cổ vũ cho cuộc đua…
Người phạm tội có thể thực hiện một hoặc một số hành vi nêu trên; nếu người phạm tội chỉ thực hiện những hành vi không trực tiếp liên quan đến hành vi tổ chức đua xe trái phép thì người phạm tội phải là người chịu sự chỉ huy của người khác và hành vi của người này cùng với hành vi của người khác tạo nên một cuộc đua xe trái phép.
Ví dụ: dưới sự chỉ huy của Vũ Văn A, Nguyễn Quốc B được phân công canh gác nếu thấy Cảnh sát giao thông thì điện thoại báo cho A biết, Bùi Quốc H được phân công rủ rê, lôi kéo một số thanh niên ra đường cổ vũ khi đoàn xe đua đi qua, còn Đặng Xuân Đ được phân công quyên góp tiền để làm giải thưởng cho cuộc đua; mỗi hành vi của từng người nếu tách riêng ra thì không có thể tổ chức thành một cuộc đua xe trái phép, nhưng kết nối lại dưới sự chỉ huy của một người thì cuộc đua xe trái phép sẽ được thực hiện.
Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội đã thực hiện hành vi tổ chức đua xe trái phép, việc đua xe có xảy ra hay không không phải là dấu hiệu bắt buộc. Nếu đã tổ chức cuộc đua nhưng vì những lý do khách quan nên cuộc đua không thực hiện được thì cũng không vì thế mà cho rằng hành vi tổ chức đua xe chưa cấu thành tội phạm, mà người phạm tội chỉ có thể được coi là phạm tội ở giai đoạn chưa đạt. Tuy nhiên, nếu đã tổ chức đua xe trái phép nhưng trước khi cuộc đua bắt đầu, không có cản trở khách quan nào khác mà người phạm tội quyết định ngưng cuộc đua lại và không tiến hành đua xe nữa thì được coi là tự nguyện nửa chừng chấm dứt việc phạm tội và được miễn trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đua xe trái phép.
b) Hậu quả
Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Tuy nhiên, nếu hậu quả xảy ra thì tùy trường hợp người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của điều luật.
Hậu quả do hành vi tổ chức đua xe trái phép là những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản gây mất trật tự công cộng và những thiệt hại khác cho xã hội.
c) Các dấu hiệu khách quan khác
Hành vi tổ chức đua xe được coi là hành vi phạm tội khi hành vi tổ chức đó không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; nếu việc tổ chức đua xe được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì không bị coi là tội phạm.
Hiện nay ở nước ta việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ của các cơ quan có thẩm quyền ít được tổ chức, trừ một vài trường hợp được tổ chức ở sân Phú Thọ, thành phố Hồ Chí Minh; nước ta cũng không xây dựng được những trường hợp đua có quy mô và đủ tiêu chuẩn để tổ chức những cuộc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ. Do đó, hầu hết các cuộc tổ chức đua xe hiện nay đều là trái phép.
Chỉ coi là hành vi phạm tội nếu tổ chức đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ trái phép, nếu tổ chức đua xe thô sơ, xe xích lô thì không bị coi là hành vi phạm tội này. Đây cũng là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau; có ý kiến cho rằng nhà làm luật không quy định hành vi tổ chức đua xe thô sơ trái phép là bỏ lọt một hành vi nguy hiểm cho xã hội mà không được hình sự hóa, không phù hợp với tình hình thực tế trong xã hội, có nhiều cuộc đua xe đạp, xe thô sơ trái phép gây mất trật tự công cộng.
Tuy nhiên, việc nhà làm luật không quy định hành vi tổ chức đua xe thô sơ trái phép cũng như không quy định hành vi đua xe thô sơ trái phép là hành vi phạm tội là vì tính chất nguy hiểm cho xã hội của hai loại hành vi này ít nguy hiểm hơn so với hành vi tổ chức đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ. Mặt khác, nếu hành vi tổ chức đua xe thô sơ trái phép cũng như hành vi đua xe thô sơ trái phép gây hậu quả nghiêm trọng thì tùy trường hợp người tổ chức và người đua xe trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng. Do đó việc quy định các hành vi này thành một tội độc lập là không cần thiết.
Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội tổ chức đua xe trái phép thực hiện hành vi phạm tội của mình là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi tổ chức đua xe trái phép, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Thư Viện Pháp Luật